Xử lý nghiêm các vi phạm về đánh bắt thủy sản

Thời gian qua, trên tuyến sông Đồng Nai (đoạn qua địa bàn tỉnh), lực lượng công an đã phát hiện, bắt xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực đánh bắt, khai thác thủy sản. Đặc biệt, có trường hợp đổ thuốc trừ sâu xuống sông để bắt cá đã bị xử phạt tổng số tiền lên đến 120 triệu đồng.

Lực lượng công an phát hiện người dân sử dụng dụng cụ kích điện để đánh bắt cá trên sông Đồng Nai. Ảnh: C.T.V

Lực lượng công an phát hiện người dân sử dụng dụng cụ kích điện để đánh bắt cá trên sông Đồng Nai. Ảnh: C.T.V

Vi phạm về đánh bắt thủy sản còn phổ biến

Bất chấp quy định cấm sử dụng các phương thức đánh bắt thủy sản gây nguy hại cho sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường..., một số đối tượng vẫn tìm cách lén lút đánh bắt cá, tôm dọc tuyến sông Đồng Nai bằng cách sử dụng thuốc trừ sâu hoặc sử dụng kích điện.

Mới đây nhất, ngày 22-6, Tổ Tuần tra kiểm soát của Trạm Cảnh sát đường thủy Long Hưng (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) trong lúc đi tuần tra trên sông Đồng Nai đoạn km33 tuyến sông Đồng Nai, thuộc địa bàn phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) phát hiện phương tiện ghe gỗ không số đăng ký do Vũ Xuân Hùng (quê tỉnh Cà Mau) điều khiển cùng với Trần Quang Minh (ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) đang có hành vi vi phạm khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. Đặc biệt, lực lượng công an còn phát hiện 2 người này sử dụng công cụ kích điện để bắt tôm, cá;

Ông Hùng và ông Minh đều thừa nhận hành vi vi phạm. Lực lượng công an đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn và hành vi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản. Ngoài ra, lực lượng công an còn tạm giữ phương tiện là ghe và bộ dụng cụ kích điện của các đối tượng này.

Trước đó, vào ngày 10-4, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) khi tiến hành tuần tra ở khu vực vàm Cái Sứt (thuộc xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa) đã phát hiện Lê Đức Phương và Nguyễn Hoàng Danh (đều ngụ xã Long Hưng) đang đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để bắt tôm, cá.

Tại hiện trường, lực lượng công an đã thu giữ vỏ chai thuốc trừ sâu mang nhãn hiệu Sanpen alpha. Kiểm tra trên các phương tiện của những người này, công an còn thu giữ 2kg tôm, 1kg cá các loại, 2 bộ kích điện, 2 vợt dùng để bắt cá. Công an đã thu giữ 1 xuồng, 1 vỏ lãi mà các đối tượng sử dụng để đổ thuốc sâu.

Theo Điều 7 Nghị định 38/2024/NĐ/CP ngày 5-4-2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (có hiệu lực từ ngày 20-5-2024), vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm có thể bị xử phạt hành chính từ 3-90 triệu đồng, tùy mức độ vi phạm. Một số trường hợp còn bị tịch thu thủy sản khai thác, tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản đối với hành vi vi phạm.

Phạt nặng hành vi gây nguy hiểm cho môi trường

Sau khi phát hiện Lê Đức Phương và Nguyễn Hoàng Danh có hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để đánh bắt cá, tôm, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã lập biên bản đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những người này.

Căn cứ các quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Lê Đức Phương và Nguyễn Hoàng Danh mỗi người 60 triệu đồng về hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc (thuốc trừ sâu) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, được quy định tại khoản 2, Điều 29 Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, việc tuần tra để phát hiện các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản trên sông gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, hoạt động vào đêm tối, khu vực vắng tàu, ghe qua lại... Tuy nhiên, trước những hành vi vi phạm của các đối tượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, môi trường sống của nhiều người, đơn vị đã bố trí lực lượng trinh sát triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn sớm các hành vi này.

Cán bộ chỉ huy Đội Cảnh sát đường thủy cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm tương tự. Lực lượng công an sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cho các đối tượng là người dân chuyên làm nghề đánh bắt thủy sản chấp hành nghiêm quy định pháp luật. Đối với người dân, khi phát hiện các đối tượng vi phạm cần kịp thời báo cho cơ quan chức năng để xử lý.

Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền các địa phương có người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản phải tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho những người lao động trên sông nước có việc làm ổn định, không vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202406/xu-ly-nghiem-cac-vi-pham-ve-danh-bat-thuy-san-4f85272/