Xử lý nghiêm hành vi bỏ cọc trúng đấu giá đất
Khi nhiều người đầu cơ cùng bắt tay thổi giá đất tại các cuộc đấu giá, họ sẵn sàng bỏ cọc bởi mục đích là hướng tới đẩy giá và thoát hàng tại các khu vực khác.
Nhìn từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất tại Thanh Oai, Hà Nội, cho đến thời điểm này, có thể kết luận đây chính là dấu hiệu của hành vi thao túng gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Hiện tượng thao túng giá khởi điểm để trả giá cao rồi thực hiện hành vi bỏ cọc nhằm tạo ra hiệu ứng giá ảo là chiêu trò đang dần phổ biến của giới đầu cơ. Để ngăn chặn hiện tượng này, cần phải tăng cường cách chính sách quản lý mà trực tiếp là các công cụ pháp lý.
Ông Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: “Theo quy định cụ thể về trách nhiệm mặt dân sự, khi đối tượng đấu giá trả giá cao so với thực tế, tuy nhiên khi được đấu giá viên giải thích ở phiên đấu giá tài sản trực tiếp mà đối tượng vẫn tiếp tục chấp nhận giá một cách chủ quan, phi thực tế thì cần quy định việc trả giá vượt mức khởi điểm bao nhiêu lần. Khi trúng giá lại bỏ cọc dẫn đến hủy kết quả đấu giá thì phải chịu số tiền phạt bao nhiêu lần so với tiền cọc”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá tài sản là cần thiết. Cụ thể là cần tăng thêm thời hạn không cho tham gia đấu giá lần sau. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Trong trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận đấu giá bị hủy từ hai lần trở lên trong thời hạn 1 đến 2 năm liên tục thì mới áp dụng quy định về cấm tham gia đấu giá. Điều này vẫn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tình trạng bỏ cọc thổi phồng giá trị tài sản mà vẫn có sự mềm mỏng hơn, tôn trọng thỏa thuận dân sự giữa các bên trong hoạt động đấu giá”.
Những ý kiến góp ý này đã được tiếp thu và chỉnh lý hoàn thiện trong Luật Đấu giá tài sản mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6 vừa qua. Theo luật mới, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm các quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Tuy nhiên, phải đến 1/1/2025, luật mới này mới có hiệu lực. Do vậy, trước mắt, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng với những thông tin gây nhiễu loạn. Tránh bị tác động bởi hiệu ứng đám đông. Và khi quyết định đầu tư, cần tham khảo lịch sử biến động giá cả của khu đất thông qua các kênh uy tín.