Xử lý nghiêm hành vi xâm hại động vật hoang dã
Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh, xử lý song tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến săn bắt, buôn bán, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) vẫn diễn ra.
Còn nhiều vi phạm
Theo cơ quan chức năng, nhiều loài ĐVHD đang bị đe dọa, thậm chí nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn săn bắn, mua bán, tiêu thụ bất hợp pháp với những mục đích khác nhau như: Sử dụng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, nuôi nhốt làm cảnh...
Tại Bắc Giang, ngày 12/9 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tới ở xã Tam Dị (Lục Nam) về hành vi tàng trữ một cá thể hổ nặng khoảng 250 kg được xếp vào danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm. Qua đấu tranh, đối tượng khai, cá thể hổ được mua về với mục đích nấu cao bán kiếm lời. Trước đó, tháng 3 năm nay, lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng bắt giữ nhóm đối tượng, trong đó có một số người quê ở Bắc Giang có hành vi tàng trữ, vận chuyển, giết mổ cá thể hổ để nấu cao.
Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để giao dịch nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Theo dõi một số trang cá nhân hoặc hội nhóm, các đối tượng rao bán công khai ĐVHD. Đơn cử như trên trang “Tin tức Lục Nam”, “Lục Nam quê tôi”, “Tin tức Lục Ngạn 24/h”, một số người thường xuyên đăng tin chào bán các sản phẩm được giới thiệu là ĐVHD như: Sóc, chim, cò các loại, lợn săn từ rừng, rắn, cầy…
Tại một số địa phương vẫn có tình trạng người dân sử dụng các loại bẫy để đánh bắt chim, thú. Tại xã Quý Sơn (Lục Ngạn) mới đây chúng tôi gặp một người dân đi bẫy chim, trong lồng nhốt hàng trăm con chim ri và sẽ được bán cho các nhà hàng với giá 6 nghìn đồng/con.
Từ năm 2020 đến nay, riêng cơ quan kiểm lâm trong tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 14 vụ vi phạm pháp luật, khởi tố 1 vụ, tịch thu 138 cá thể ĐVHD. Ngoài ra, tiếp nhận 39 cá thể ĐVHD do người dân tự nguyện trao trả cho nhà nước và làm thủ tục thả về môi trường tự nhiên.
Qua thống kê, từ năm 2020 đến nay, riêng cơ quan kiểm lâm trong tỉnh đã lập biên bản xử lý 14 vụ vi phạm pháp luật, khởi tố 1 vụ, tịch thu 138 cá thể ĐVHD. Tiếp nhận 39 cá thể ĐVHD do người dân tự nguyện trao trả cho nhà nước và làm thủ tục thả về môi trường tự nhiên.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh lập biên bản, xử lý 2 vụ vi phạm, tịch thu tang vật là cá thể khỉ đuôi lợn và yểng; tiếp nhận, làm thủ tục thả về môi trường tự nhiên 9 cá thể ĐVHD do người dân tự nguyện giao nộp gồm 1 cá thể trăn gấm, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 3 cá thể khỉ đuôi lợn và 4 cá thể khỉ mặt đỏ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Toàn tỉnh hiện có hơn 160 nghìn ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 55 nghìn ha. Rừng Bắc Giang được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học, động vật có 25 bộ, 61 họ, 154 loài, trong đó 24 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 27 loài trong Công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Những năm qua các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD xảy ra trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm song tính chất lại phức tạp. Thói quen sử dụng ĐVHD làm thực phẩm, thuốc, làm cảnh vẫn còn phổ biến.
Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá: Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn trong quá trình lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Trong đó vướng mắc lớn nhất là không có cơ sở tiếp nhận ĐVHD khi cơ quan chức năng bắt giữ chuyển giao. Kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng rất lớn hoặc có cơ sở tiếp nhận nhưng không bảo đảm các điều kiện. Quá trình bảo quản ĐVHD thu giữ được gặp nhiều khó khăn do nhiều cá thể mắc bệnh, ốm yếu, bị bẫy bắt hoặc nuôi nhốt lâu ngày cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Việc thanh toán chi phí giám định mẫu vật cũng gặp khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Để công tác bảo vệ ĐVHD đạt hiệu quả hơn cần sự chung tay của cả cộng đồng. Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tổ chức cho các cơ sở kinh doanh ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật ĐVHD và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm. Chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan ĐVHD. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên, vận động người dân không săn bắt, bẫy, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, giết mổ, tiêu thụ, quảng cáo trái pháp luật ĐVHD, nhất là đối với những loài quý, hiếm thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.
Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra, gỡ bỏ các thiết bị bẫy bắt chim hoang dã, chim di cư, kiên quyết không để hình thành các khu chợ, tụ điểm buôn bán ĐVHD trái pháp luật. Thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin với lực lượng công an, quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan về quy luật, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Chú trọng phối hợp kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm và khâu lưu thông. Khuyến khích người dân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về hành vi săn bắn, mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm bị xử lý như thế nào?
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này.
c) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 2 kg đến dưới 20 kg; sừng tê giác có khối lượng từ 50 g đến dưới 1 kg.
d) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 3 cá thể đến 7 cá thể lớp thú, từ 7 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác.
đ) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 3 cá thể đến 7 cá thể lớp thú, từ 7 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này.
e) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 3 cá thể đến 7 cá thể lớp thú, từ 7 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
b) Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 8 cá thể đến 11 cá thể lớp thú, từ 11 cá thể đến 15 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 16 cá thể đến 20 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
c) Từ 1 cá thể đến 2 cá thể voi, tê giác hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 1 cá thể đến 2 cá thể voi, tê giác; từ 3 cá thể đến 5 cá thể gấu, hổ hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 3 cá thể đến 5 cá thể gấu, hổ.
d) Ngà voi có khối lượng từ 20 kg đến dưới 90 kg; sừng tê giác có khối lượng từ 1 kg đến dưới 9 kg.
đ) Có tổ chức.
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức.
g) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm.
h) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm.
i) Buôn bán, vận chuyển qua biên giới.
k) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 244- Bộ Luật Hình sự năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2017)