Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ, buôn bán
Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân, kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ, buôn bán, nhưng trên nhiều tuyến đường từ nông thôn đến thành thị, tại các đô thị tập trung trong tỉnh, hiện tượng này vẫn tái diễn phổ biến. Không chỉ vi phạm quy định pháp luật, việc lấn chiếm này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Người dân bày bán hàng hóa lấn chiếm vỉa hè trên đường Lê Công Thanh (phường Phủ Lý).
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Việc sử dụng trái phép để kinh doanh, buôn bán là hành vi bị nghiêm cấm. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, thường xuyên để giải tỏa, xử lý và ngăn chặn tái diễn các tụ điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi.
Tình trạng buôn bán tràn lan trên lòng đường, vỉa hè phổ biến ở các khu vực đông dân cư, gần khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị tập trung, các trường học, điểm giao cắt các ngã ba, ngã tư... Với quy mô nhỏ, giá cả phù hợp với người thu nhập thấp, tính linh động cao và thói quen “tiện đâu mua đó” của người dân, các chợ tự phát hình thành và tồn tại dai dẳng. Trong khi đó, nhiều địa phương gặp khó khăn về nhân lực để kiểm tra, duy trì trật tự; một số nơi còn buông lỏng quản lý, khiến việc xử lý và ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm gặp nhiều trở ngại.
Theo ghi nhận thực tế, tại vỉa hè trước các công ty may ở xã Nam Trực, phường Thành Nam, phường Nam Định... hàng hóa như rau củ, thực phẩm tươi sống, đồ khô... được bày bán tràn lan. Thực phẩm sống và chín thường đặt lẫn lộn, không có che chắn, bám đầy bụi bẩn. Nhiều loại hải sản được bày ngay trên nền đất; nước thải đen ngòm xả trực tiếp xuống đường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Một số điểm còn bày bán thực phẩm sát cạnh các bãi rác, phế liệu tồn đọng nhiều ngày. Mặc dù vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn lựa chọn mua vì “tiện và rẻ”.
Giờ tan tầm, hàng nghìn công nhân đổ ra đường, tập trung đông tại các điểm chợ tự phát khiến giao thông thêm phần hỗn loạn. Chị Chu Thị My, công nhân một Công ty may trên địa bàn xã Nam Trực chia sẻ: “Mua ở đây cho tiện, giá rẻ, chứ đi chợ thì xa và đắt đỏ hơn”. Người bán cũng thừa nhận: “Chúng tôi bán hàng phục vụ công nhân là chính, chỉ bán khoảng 2 tiếng lúc tan ca. Biết là ảnh hưởng giao thông, nhưng vì mưu sinh nên đành liều”.

Vỉa hè đường Minh Khai (phường Nam Định) thường xuyên bị lấn chiếm để buôn bán.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều nơi khác như trên đường Đặng Xuân Bảng, phường Vị Khê, người dân họp chợ từ 3-4 giờ chiều, bày bán rau củ, thịt cá ngay dưới lòng đường bất chấp xe cộ qua lại đông đúc. Hệ quả là đã có những vụ tai nạn xảy ra do bị che khuất biển báo, đèn tín hiệu. Thậm chí, các vụ trộm cắp, cướp giật cũng xảy ra khi người dân đỗ xe tạm thời để mua hàng nhưng không có người trông giữ.
Tại xã Liêm Hà (gần trụ sở UBND xã Liêm Cần cũ), dù đã có chợ trung tâm nhưng người dân vẫn tràn xuống đường buôn bán. Đặc biệt, vào giờ cao điểm sáng và chiều, các hộ bán thực phẩm tươi sống chiếm dụng lòng, lề đường làm nơi kinh doanh. Nhiều người mua vô tư dừng xe giữa đường để giao dịch, gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương hằng năm đều tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các hộ ký cam kết không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi lực lượng chức năng vắng mặt, người dân lại tái chiếm lề đường như cũ.
Tại khu vực chợ Tu, chợ Quảng, một số phường như Yên Thắng, Tây Hoa Lư, Đông Hoa Lư… vào các buổi họp chợ, việc mua bán trên lòng, lề đường gần như đã trở thành nếp quen. Vỉa hè bị chiếm dụng để gửi xe, đặt biển hiệu, bày hàng hóa... Trong khi đó, lòng đường trở thành điểm hoạt động của xe đẩy, hàng rong và là nơi đậu đỗ xe tạm thời của người mua. Ngay cả trên Quốc lộ 1A đoạn qua phường Hoa Lư, nhiều hộ vẫn bày bán thịt dê, rau quả ngay bên lề đường, bất chấp biển cấm họp chợ được đặt ngay bên cạnh. Người bán hàng vẫn hoạt động giữa dòng xe tải, xe container, xe khách chạy với tốc độ cao mà không hề lo sợ tai nạn.
Không chỉ gây mất an toàn giao thông, việc chiếm dụng vỉa hè để buôn bán còn gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Khói bụi từ phương tiện giao thông dễ dàng bám vào thực phẩm bày bán trên đường. Nhiều người bán xả rác bừa bãi, khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để xử lý triệt để tình trạng này, cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ các cấp chính quyền và lực lượng chức năng. Công tác tuyên truyền cần sâu rộng, thường xuyên, gắn với xử phạt nghiêm minh các trường hợp tái phạm. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, tổ chức lại hệ thống chợ dân sinh hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân buôn bán đúng nơi quy định, góp phần lập lại trật tự đô thị, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.