Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm

Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sáng 23/8, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, không chỉ đối với lĩnh vực liên quan đến Ban Chỉ đạo mà cả trong hoạt động thực thi của các Bộ, ban, ngành, cơ quan.

Tăng cường kiểm tra, xử lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: Tl)

Tăng cường kiểm tra, xử lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: Tl)

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Y tế đã kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện hơn 15.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong.

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chương trình giám sát ATTP được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm ATTP.

Ghi nhận thời gian qua, các Bộ, ngành, đặc biệt là các Bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện pháp luật về ATTP đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả tích cực, Phó Thủ tướng nhận định, chúng ta đang đi đúng hướng và các giải pháp đề ra đã và đang phát huy tác dụng.

Trước ý kiến của các Bộ, địa phương về vấn đề tăng biên chế cho công tác này, Phó Thủ tướng cho rằng, tăng thêm biên chế là rất khó khăn, mỗi nơi thêm một người cũng không ăn thua, cần nghĩ thêm giải pháp khác. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế, trong đó đề xuất sửa đổi Luật ATTP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra, giải pháp phải khả thi.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý 3 Bộ: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt. Các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp chú trọng truyền thông hướng dẫn tiêu dùng thông minh.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong bảo đảm ATTP thì ý thức của người dân rất quan trọng; hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, văn hóa tiêu dùng thì mới bền vững, chứ chỉ tăng lực lượng đi kiểm tra thì cũng chưa chắc hiệu quả. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, truyền thông để cảnh tỉnh. TP Hồ Chí Minh tiếp tục vận hành mô hình Sở ATTP, có đánh giá trong quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực.

H.G

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-an-toan-thuc-pham-post522926.html