Xử lý nghiêm việc nợ bảo hiểm xã hội

Việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, tác động tiêu cực đến các vấn đề xã hội, dân sinh. Vì thế, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đặt mục tiêu kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Lực lượng chức năng huyện Mỹ Đức kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn.

Lực lượng chức năng huyện Mỹ Đức kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn.

Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội chiếm 9,13%

Những tháng đầu năm nay, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa giảm. Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) Nguyễn Huy Quân cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 4-2022, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội toàn thành phố là 9,13% so với tổng số tiền phải thu, tương ứng gần 5.192 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là một số đơn vị, doanh nghiệp nợ với số tiền lớn, trong thời gian dài, buộc cơ quan Bảo hiểm xã hội phải thường xuyên công khai danh sách nợ.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội có chiều hướng tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa cân đối được nguồn tiền để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định. Một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền, đối thoại, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về bảo hiểm xã hội...

Trên thực tế, việc nợ đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Với người sử dụng lao động, khi họ không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh thường thiếu sự ổn định, lực lượng lao động bị biến động. Có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Sông Đà 6 (trụ sở tại Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông) nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, dẫn đến mâu thuẫn giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Sau khi khắc phục dần tình trạng nợ đóng, hoạt động của doanh nghiệp này dần ổn định...

Về phía người lao động, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, nếu không may làm việc trong các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ bị mất các quyền lợi chính đáng, nhất là khi bị ốm đau, tai nạn, mắc bệnh nghề nghiệp...

Kiên quyết xử lý vi phạm

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, qua đó giúp giảm tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn do dịch Covid-19 được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động. Người lao động được hỗ trợ an sinh từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 3 triệu đồng/người. Ngoài ra, những trường hợp đang thuê nhà có cơ hội tiếp cận với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian 3 tháng, mức hỗ trợ 500.000 đồng hoặc 1 triệu đồng/người/tháng, tùy từng đối tượng...

Chị Nguyễn Thị Xuân, hiện làm việc tại một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai cho biết: “Khoản hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động trong giai đoạn khó khăn, giúp chúng tôi tin tưởng vào chính sách, yên tâm làm việc”.

Một giải pháp quan trọng được triển khai là các bên thường xuyên tuyên truyền, đối thoại với người lao động và doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên ngành, đột xuất về thực hiện chính sách này. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành gần 2.600 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tỷ lệ thu hồi nợ của các đoàn thanh tra đạt 74,6%, của các đoàn kiểm tra đạt 91,9%. “Từ nay đến cuối năm 2022, các cơ quan chức năng sẽ tập trung cao điểm thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội với số lượng trung bình khoảng 700 cuộc/tháng”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật thông tin.

Ở các địa phương, lực lượng chức năng cũng chủ động tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Tại huyện Mỹ Đức, theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thanh Hưng, trong tháng 5-2022, qua kiểm tra tại 29 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cơ quan chức năng đã phát hiện một số đơn vị chưa đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, một số doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, qua đó kịp thời đôn đốc các đơn vị khắc phục.

Để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, Công an thành phố Hà Nội và Bảo hiểm xã hội thành phố đã ký kết phối hợp liên ngành về phòng, chống tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Theo đó, những đơn vị có hành vi gian lận, cố tình nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị khởi tố điều tra. Ngoài ra, các ngành, địa phương cần không để những đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội tham gia đấu thầu, đầu tư các dự án...

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1032983/xu-ly-nghiem-viec-no-bao-hiem-xa-hoi