Xử lý nghiêm việc tiêu hủy lợn chết, nhiễm bệnh không đúng quy định

Tại Hội nghị phòng, chống bệnh DTLCP và kiểm soát giết mổ động vật ngày 23/7, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, DTLCP đang gia tăng trở lại tại các tỉnh phía Bắc và duyên hải miền Trung.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, khiến hơn 43.000 con lợn bị tiêu hủy. Mặc dù giảm 34% so với cùng kỳ 2024, dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao. Nguyên nhân chính là do chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu an toàn sinh học, tâm lý chủ quan và trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 636 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 30 tỉnh khiến hơn 43.000 con lợn bị tiêu hủy.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 636 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 30 tỉnh khiến hơn 43.000 con lợn bị tiêu hủy.

Tình trạng giấu dịch, bán tháo lợn bệnh hoặc vứt xác ra môi trường cũng khiến dịch lan rộng. Trong khi đó, phân tích gen cho thấy, hai chủng dịch tả lợn châu Phi genotype II và genotype I+II hiện đang lưu hành, trong đó có chủng tái tổ hợp giống Trung Quốc giai đoạn 2021-2022. “Hơn 70% trong số gần 25.000 cơ sở giết mổ trên cả nước là nhỏ lẻ, hoạt động không phép và thiếu sự giám sát của thú y. Đây là điểm yếu nghiêm trọng trong chuỗi kiểm soát dịch bệnh”, ông Minh cho biết.

Trước thực trạng DTLCP tái bùng phát tại nhiều địa phương, trong khi công tác phòng, chống vẫn còn lúng túng, chính quyền các tỉnh đã đề xuất loạt biện pháp mạnh để chấn chỉnh việc xử lý lợn bệnh, trong đó có cả phối hợp với Công an vào cuộc điều tra và xử lý hình sự.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và thú y, cả nước có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung (23 cơ sở giết mổ trâu, 207 cơ sở giết mổ lợn, 76 cơ sở giết mổ gia cầm)… Trong đó, 8 cơ sở giết mổ xuất khẩu do Cục Chăn nuôi và thú y quản lý và kiểm soát, còn lại là cơ sở giết mổ tiêu thụ nội địa.

Cả nước có 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó, hơn 9.000 cơ sở ký cam kết về quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Hơn 6.000 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có hơn 4.000 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định. Hiện nay, còn hơn 18.000 cơ sở giết mổ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, địa phương đã chỉ đạo phối hợp với Công an tỉnh làm rõ dấu hiệu hình sự liên quan đến hành vi không xử lý đúng quy định đối với lợn nhiễm DTLCP.

“Bộ máy chính quyền cấp xã và cấp tỉnh vẫn còn lúng túng khi hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn bệnh. Chúng tôi đã yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương ban hành cơ chế hỗ trợ để người dân không vì khó khăn mà giấu dịch hay bán tháo lợn nhiễm bệnh”, ông Hiền nói.

Ông Hiền cũng thông tin thêm, tỉnh đã yêu cầu siết chặt kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ lợn vận chuyển để ngăn chặn lợn bệnh lây lan. Ngoài ra, ông Hiền nhấn mạnh, nếu lợn chết do tiêm vaccine phòng bệnh, tỉnh sẵn sàng có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân chủ động phòng dịch.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An cho hay, từ đầu năm đến nay, địa phương đã ghi nhận hàng chục ổ dịch và phải tiêu hủy khoảng 2.000 con lợn. Tuy nhiên, ông đặc biệt lo ngại về tình trạng người dân vứt xác lợn bệnh ra môi trường, gây nguy cơ phát tán dịch. Ông Học đề nghị, nếu phát hiện ai vứt lợn chết ra ngoài, Công an phải vào cuộc ngay, bắt giữ và lập hồ sơ. Phải có hình ảnh gửi báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Khi xác minh được đối tượng vi phạm, cần xử phạt nghiêm và công khai để người dân thấy hậu quả, từ đó nâng cao nhận thức phòng dịch.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói, so với năm 2024, số lượng lợn mắc DTLCP không cao nhưng mức độ lây lan, diện ảnh hưởng tương đối rộng, trong khi đó quản lý giết mổ còn nhiều vấn đề như sử dụng lợn bệnh làm thịt, vứt xác ra môi trường… Do đó, ông Tiến yêu cầu các địa phương cần phải chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ xây dựng chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc chuyển đổi sang dây chuyền giết mổ công nghiệp hoặc bán công nghiệp bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng việc triển khai tiêm phòng vaccine còn chậm. Một phần do người dân chưa tin tưởng, phần khác do thiếu cơ chế hỗ trợ rõ ràng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh là yếu tố then chốt giúp ngành chăn nuôi đạt mục tiêu tăng trưởng 5,7-5,9% năm 2025, đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Vấn đề không phải là thiếu văn bản hay chính sách mà là ở công tác tổ chức thực hiện. Cần tham mưu ngân sách, chủ động hành động, không chờ chỉ đạo", ông Tiến nói.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/xu-ly-nghiem-viec-tieu-huy-lon-chet-nhiem-benh-khong-dung-quy-dinh-i775908/