Xử lý nghiêm vụ đất rừng bị san ủi trái phép nhưng xã không biết
Liên quan đến vụ việc 'Đất rừng bị san ủi trái phép nhưng xã không hay biết' mà Báo CAND đã phản ánh, ngày 29/3, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khẳng định, vụ phá rừng, mở đường là trái quy định, đang yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm.
Cùng ngày, ông Quang Văn Tuy, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột cho biết, UBND xã cũng đã có báo cáo bước đầu vụ việc. Theo đó, tại địa điểm phát hiện nhiều tuyến đường đã được san ủi từ vị trí mỏ đất được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng 515 lấy đất để thi công đại lộ Đông Tây xuyên qua rừng, đất lâm nghiệp; hiện trường vụ san ủi, phá rừng nằm tại khoảnh 8, Tiểu khu 911 thuộc lâm phần do UBND xã Hòa Thắng quản lý, được giao khoán cho nhiều hộ dân để quản lý, bảo vệ.
Qua đo đạc bằng máy GPS 60CSX, đã xác minh được 3 địa điểm. Vị trí san ủi đầu tiên thuộc lô 18 và 24 khoảnh 8, Tiểu khu 911 có diện tích bị phá, san ủi là 880m2 trên chiều dài 300m, rộng 2m. UBND xã Hòa Thắng xác định không có lâm sản bị thiệt hại. Tại vị trí này, UBND xã Hòa Thắng bắt quả tang một máy múc thuộc quyền sở hữu của ông Huỳnh Tấn Linh (trú cùng xã). Máy múc và hiện trường phá rừng này xã Hòa Thắng tìm không ra, cho đến khi nhận được hình ảnh từ phóng viên mới tạm giữ, đưa về UBND xã.
Tại vị trí thứ 2, diện tích bị san ủi khoảng 450m2, trên chiều dài 200m. UBND xã Hòa Thắng cũng xác định không có cây rừng, chỉ toàn cây le, dây bụi nên không có lâm sản bị thiệt hại. Khu vực bị san ủi này được giao khoán cho ông Y Sum (trú Buôn Kom Leo) nhưng con trai ông này đã sang nhượng cho ông Phan Ngọc Diễn (46 tuổi, giám đốc một ngân hàng chi nhánh tại Đắk Lắk) - người đã tổ chức hủy hoại nhiều diện tích đất, bị xử phạt 2 lần với tổng cộng 165 triệu đồng mà Báo CAND đã phản ánh. Đáng nói, vị trí san ủi này cũng nối vào điểm san ủi số 1 và vị trí thứ 3 nhưng không xác định được người thực hiện hành vi vi phạm.
Còn tại vị trí san ủi thứ 3 thuộc lô 17, khoảnh 8, Tiểu khu 911 đã được giao khoán cho ông Phan Văn Đạt (trú tại thôn 5, xã Hòa Thắng) quản lý, bảo vệ rừng. Đáng nói, diện tích rừng giao khoán này, ông Đạt lại sang nhượng cho ông Nguyễn Hữu Tư, cũng trú thôn 5 xã Hòa Thắng. Diện tích bị phá, san ủi tại vị trí số 3 là hơn 5.000m2 được xác định đã tác động từ năm 2018 nhưng UBND xã đã “không kịp thời phát hiện” và cũng chưa xác định được người tự ý san ủi.
Từ báo cáo của UBND xã Hòa Thắng cho thấy, trả lời ban đầu của ông Quang Văn Tuy, Chủ tịch UBND xã cho phóng viên cũng như báo cáo với lãnh đạo thành phố là chưa chính xác. Ban đầu, ông Tuy nói người dân ủi, phá cây để lấy đường tuần tra, bảo vệ rừng. Nhưng trên thực tế, những người được giao khoán chẳng liên quan đến vụ việc.
Diện tích đất rừng giao khoán bị san ủi lên đến gần 7.000m2 nhưng trên thực tế đã sang nhượng tràn lan và vụ ủi đường xảy ra từ năm 2018 chứ không phải đến khi “Công ty 515 làm mỏ đất dân không có đường mới tự san ủi”. Đến năm 2022, thêm nhiều diện tích rừng bị san ủi để làm các tuyến đường và thật vô tình là các tuyến đường đều hướng về khu vực san ủi của ông Phan Ngọc Diễn. Chính ông Diễn, theo Ban tự quản Buôn Kom Leo - cũng nhận sang nhượng trái phép một diện tích rừng giao khoán tại đây.
Nói về việc rừng giao khoán bị sang nhượng tràn lan, ông Quang Văn Tuy cho biết thêm, hiện UBND xã đang cho kiểm tra, rà soát và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Còn công tác giao khoán, quản lý diện tích rừng (200ha, với hơn 100 hộ dân) thuộc trách nhiệm của UBND TP Buôn Ma Thuột, UBND xã Hòa Thắng chỉ quản lý địa bàn.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột khẳng định, kiểm tra sơ bộ cho thấy việc san ủi đất là trái quy định, làm thay đổi hiện trạng của đất, rừng. Tuy nhiên, sai như thế nào, sai đến đâu thì cần xác định như việc cào đất rừng hay đất gì để xử lý theo quy định.