Xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả

Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí

Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí

Bộ Tài chính vừa có công văn số 9508/BTC-QLCS gửi các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo quy định tại Luật số 56/2024/QH15 và Nghị định số 03/2025/NĐ-CP của Chính phủ thì không thực hiện sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật khác có liên quan.

Trước đó để đảm bảo việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đúng mục đích, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 24/12/2024 về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời Bộ Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể trách nhiệm các bên có liên quan.

Trong đó, UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo rà soát để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai (ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) của các DNNN theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo thời gian quy định, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.

UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo tiếp nhận nhà, đất của DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí.

Ngoài ra, UBND các cấp có trách nhiệm kiên quyết thu hồi đất đối với DNNN sử dụng đất không đúng mục đích Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; đất cho mượn, cho thuê không đúng quy định; đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất; không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đất đai,....

Tuy nhiên, theo phản ánh của các đại biểu Quốc hội, một số Bộ, cơ quan trung ương, DNNN vẫn còn các cơ sở nhà, đất của DNNN đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp và quyết định xử lý theo hình thức thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý từ nhiều năm trước nhưng địa phương chưa tiếp nhận. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải nộp tiền thuê đất đối với các cơ sở nhà đất đó, gây lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực đất đai, giảm hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chậm, các doanh nghiệp không hoàn thiện được hồ sơ pháp lý về đất đai, ký hợp đồng thuê đất chính thức dẫn tới không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, không được ổn định tiền thuê đất...

Xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đùn đẩy, chậm thực hiện

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm được giao tại Chỉ thị 47/CT-TTg; xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đùn đẩy, chậm thực hiện tiếp nhận nhà, đất của các DNNN có quyết định thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; chậm giải quyết thủ tục hành chính để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai của DNNN.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu của DNNN thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định Chỉ thị số 47/CT-TTg; chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước rà soát các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật chủ động liên hệ, đôn đốc UBND cấp tỉnh, các cơ quan chức năng của địa phương để thực hiện bàn giao để đưa nhà, đất vào sử dụng có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất theo quy định của pháp luật về đất đai./.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/xu-ly-nha-dat-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-dam-bao-dung-muc-dich-hieu-qua-102250701185227016.htm