Xử lý những ảo tưởng về 'bùa hộ thân'

Hệ lụy của sự tự tin tới độ tự mãn về lợi thế được nể nang thì báo chí nhiều lần đưa tin...

Việc nhiều ôtô gắn logo cơ quan báo chí nghênh ngang đi lại trên đường không còn là chuyện hiếm trong thời gian gần đây. Nó dường như "nở rộ" từ dịp Tết vừa qua. Trong số này, thậm chí có một xe gắn phù hiệu của Hội Nhà báo Việt Nam nhưng bị xác định là giả mạo.

Cần nói rõ những logo gắn trên xe ấy không có giá trị về mặt luật pháp để được nhận ưu tiên khi lưu thông. Đó đơn thuần chỉ là một cách giới thiệu về một thương hiệu, giống như cách quảng cáo về nhãn hàng may mặc, thực phẩm, công ty ABC… của vô số phương tiện trên đường. Tuy nhiên, những người ngồi trên phương tiện gắn mác báo chí thường có cảm giác tự tin "được nể nang" bởi một dạng "luật bất thành văn" nào đó. Trong khi ấy, lực lượng chức năng vì một số lý do, trong đó có việc thông cảm cho động tác gãi đầu gãi tai "phân trần tác nghiệp gấp gáp", mà bỏ qua lỗi.

Hệ lụy của sự tự tin tới độ tự mãn về "lợi thế được nể nang" thì báo chí nhiều lần đưa tin, như những vụ ngang tàng phóng ẩu, những lời lẽ hầm hố, gây hấn, thách thức của người trong xe khi bị xử lý vi phạm…

Để câu chuyện gây ảnh hưởng xấu tới cơ quan báo chí, gây phản cảm đối với người đi đường kia chấm dứt thì phải dứt khoát với việc "vỗ ngực xưng tên". Ngành chức năng cần tập trung phát hiện, xử lý nghiêm khắc với những xe gắn logo như "bùa hộ thân" mà vi phạm pháp luật.

Anh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/xu-ly-nhung-ao-tuong-ve-bua-ho-than-20230205215643332.htm