Xử lý nước thải sinh hoạt chỉ đạt hơn 1%
Hiện nay, tại Đồng Nai, tỷ lệ nước thải sinh hoạt (NTSH) được thu gom, xử lý chỉ đạt 1,2% trên tổng lượng nước thải xả ra môi trường. Con số này quá thấp.
Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý NTSH và mạng lưới đường ống là vấn đề cấp thiết của tỉnh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
* Lượng NTSH được thu gom, xử lý quá thấp
Đồng Nai hiện có 11 đô thị, trong đó có 2 thành phố, nhưng chỉ TP.Biên Hòa có nhà máy xử lý NTSH tập trung là Trạm xử lý nước thải số 1 tại P.Hố Nai. Đáng nói là nhà máy này công suất thấp và chưa có mạng lưới đường ống để thu gom nước thải từ nhà dân.
Dự án Trạm xử lý nước thải số 1 tại P.Hố Nai được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013, công suất 9,5 ngàn m3/ngày đêm nhưng hiện mới đưa vào sử dụng giai đoạn 1A, công suất 3 ngàn m3/ngày. Tại đây chỉ có nhà máy xử lý, chưa có mạng lưới đường ống thu gom nước thải nên bơm nước suối Săn Máu xử lý, sau đó xả ngược trở lại.
NTSH đang là vấn đề bức thiết với môi trường và sinh hoạt của người dân ven suối. Hiện các địa phương đã thực hiện nạo vét lòng suối, làm vệ sinh và kè hai bên, tuy nhiên vấn đề căn cơ nhất là giảm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường thì chưa làm được.
Thống kê của Sở TN-MT, Đồng Nai đang phát sinh hơn 254 ngàn m3 NTSH/ngày. Hiện chỉ có 1/11 đô thị có nhà máy xử lý NTSH công suất 3 ngàn m3/ngày. Các đô thị còn lại đang trong giai đoạn lập dự án khả thi.
TP.Long Khánh cũng chưa có hệ thống thu gom và xử lý NTSH tập trung. Hiện hệ thống thoát nước của thành phố đang dùng chung cho cả nước mưa và NTSH.
Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho rằng, là đô thị loại III và mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh nhưng thành phố vẫn chưa có nhà máy xử lý NTSH. Thành phố rất cần đầu tư dự án này để đồng bộ với các hạ tầng khác, đáp ứng tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật và nâng tỷ lệ NTSH được xử lý theo quy chuẩn.
Một trong những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án xử lý NTSH là nguồn vốn. Thời gian qua, nguồn vốn ngân sách của tỉnh phải phân bổ cho các công trình thiết yếu khác. Việc kêu gọi vốn tài trợ, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức nước ngoài phải thống nhất được phương án, thủ tục, công nghệ và vận hành. Do đó, việc đầu tư vẫn chậm.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, khu dân cư, khu đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý NTSH đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ thu gom, xử lý NTSH hoạt theo quy chuẩn phải đạt 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Chiếu theo các quy định, mục tiêu này, Đồng Nai còn phải nỗ lực nhiều.
* Cần có lộ trình thực hiện dự án xử lý NTSH
Thu gom, xử lý NTSH đối với các đô thị là quy định bắt buộc nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, cải thiện cảnh quan và chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang, đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý NTSH là rất cần thiết để đảm bảo môi trường và chống ngập. Thành phố đã kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho khu vực 6 phường trung tâm và một phần của P.Xuân Tân, xã Bàu Trâm. Theo tính toán, dự án này thuộc công trình nhóm B với mức đầu tư khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nhà máy xử lý nước thải công suất 11 ngàn m3/ngày, hệ thống tuyến ống thu gom nước thải từ hộ gia đình về nhà máy với tổng chiều dài khoảng 190km, 6 trạm bơm...
Ngoài dự án trên, TP.Long Khánh kiến nghị tỉnh xem xét sớm đầu tư dự án Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch được duyệt trước đây để đáp ứng nhu cầu thoát nước, xử lý nước thải.
Tương tự, TP.Biên Hòa kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sớm triển khai dự án Hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 1, công suất 52 ngàn m3/ngày đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017. Bố trí nguồn vốn tiếp tục đầu tư dự án Trạm xử lý nước thải số 1 để cải thiện tỷ lệ NTSH được xử lý, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị và giảm ô nhiễm sông suối.
NTSH là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt. Kết quả quan trắc môi trường nước mặt tại 96 sông, suối, hồ (giai đoạn 2020-2022) của Sở TN-MT cho thấy, nhiều vị trí sông, suối tiếp nhận NTSH bị ô nhiễm. Điển hình là: suối Linh, suối Săn Máu (TP.Biên Hòa); rạch Đông, sông Bé và suối Siệp chảy từ đia phận tỉnh Bình Dương qua H.Vĩnh Cửu; sông Ray (H.Cẩm Mỹ)...
Làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh mới đây về môi trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, tỷ lệ NTSH thu gom, xử lý trên địa bàn còn quá thấp, tiềm ẩn rủi ro lớn. UBND tỉnh cần có lộ trình đầu tư dự án xử lý NTSH cho các đô thị. Dự án nên triển khai sớm vì để lâu, nhà ở và đường sá hoàn thiện rất khó thực hiện. Cùng với đó, tỉnh đưa ra các giải pháp chủ động ngăn ngừa ô nhiễm môi trường từ xa. Tuyên truyền người dân, doanh nghiệp có ý thức cải tạo môi trường, bảo vệ nguồn nước vì sức khỏe của cả cộng đồng.