Xử lý ra sao khi hai nhà thầu có chung một nhân sự?
Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu có bằng chứng cho thấy nhà thầu có hành vi thông thầu thì các nhà thầu này sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Đỗ Duy Khôi (Lào Cai) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:
Đơn vị chủ đầu tư A vừa thực hiện mở thầu một gói thầu xây dựng trị giá 1 tỷ đồng; có 3 công ty tham gia đấu thầu, trong quá trình mở thầu, chủ đầu tư nhận thấy bà Nguyễn Thị X có ký tên với vị trí kế toán trưởng trong các hồ sơ của Công ty B (từ tháng 3/2019 về trước). Tuy nhiên tại buổi mở thầu, bà Nguyễn Thị X là người đại diện (với trị trí là kế toán) của Công ty C.
Sau khi mở thầu, chủ đầu tư A có yêu cầu Công ty B và C giải trình rõ hơn về bà Nguyễn Thị X, Công ty B có văn bản giải trình: Đã chấm dứt hợp đồng lao động với bà X từ ngày 15/4/2019.
Trong khi đó Công ty C có văn bản giải trình: Đã ký hợp đồng lao động với bà X từ ngày 1/6/2019 (kèm theo là bản hợp đồng lao động).
Tuy vậy, chủ đầu tư vẫn không chấp nhận, và yêu cầu hai công ty bổ sung giấy tờ chứng minh, cụ thể: Bổ sung bảng lương và sao kê ngân hàng chứng minh các chi phí chi trả lương cho bà X trong khoảng 3 tháng trước khi nghỉ việc (tại Công ty B) và 3 tháng sau khi ký hợp đồng với Công ty C.
Ông Khôi hỏi, chủ đầu tư yêu cầu hai Công ty B, C giải trình và cung cấp tài liệu bổ sung như vậy có đúng quy định không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu có bằng chứng cho thấy nhà thầu Công ty B và nhà thầu Công ty C có hành vi thông thầu theo quy định tại Khoản 3, Điều 89 Luật Đấu thầu thì các nhà thầu này sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, việc thực hiện công tác kế toán phải tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành.