Xử lý rác thải sinh hoạt dưới góc nhìn đa chiều
Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn Thái Nguyên phát sinh khoảng 760 tấn chất thải sinh hoạt (RTSH), trong đó trên 570 tấn được thu gom, xử lý (chiếm trên 75%); gần 25% còn lại chưa được thu gom xử lý. Thực tế này cho thấy, tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn trong việc thu gom, xử lý RTSH.
Thu gom đến tận ngõ, xóm
Những năm qua, tại Thái Nguyên, đi kèm với tình trạng gia tăng dân số thì lượng RTSH cũng không ngừng tăng lên. Ông Lê Hải Bằng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho hay: Ngoài chất vô cơ (các loại phế thải thủy tinh, sành sứ, kim loại, nhựa, túi nilon, đồ điện, đồ chơi...), RTSH trên địa bàn tỉnh còn có chất hữu cơ (cây cỏ loại bỏ, lá rụng, rau quả hư hỏng, đồ ăn thừa, xác súc vật, phân động vật....) và các chất khác.
Dù lượng rác phát sinh nhiều hơn so với 5 năm trước nhưng việc thu gom RTSH trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến nhất định. Tại các khu đô thị của tỉnh như TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, rác thải được thu gom hằng ngày tại hộ dân... Bà Nguyễn Thị Lan, tổ 6, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), cho hay: Việc thu gom RTSH được thành phố thực hiện rất tốt. Kể cả thời điểm khu dân cư của chúng tôi bị ngập lụt, ngay khi nước rút đi, rác bừa bãi khắp trên đường nhưng chỉ trong một buổi chiều đã được dọn sạch sẽ. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong việc thu gom RTSH kịp thời, góp phần bảo đảm môi trường sống.
Đối với địa bàn nông thôn, các địa phương đều có điểm tập kết rác thải sinh hoạt và thu gom theo quy định đến tận ngõ, xóm. Đáng nói, trong số 126 xã nông thôn của tỉnh, không còn xã nào gặp khó đối với tiêu chí môi trường.
Chuyển dần từ chôn lấp sang sử dụng lò đốt
Cùng với thu gom, việc xử lý RTSH trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, chất thải sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp và phương pháp đốt. Theo đó, Thái Nguyên đã có 3 nhà máy xử lý chất thải có hạng mục lò đốt chất thải rắn sinh hoạt gồm: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đá Mài xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); khu liên hợp xử lý chất thải của Chi nhánh Công ty TNHH Môi trường Sông Công tại xã Tân Quang (TP. Sông Công); Công ty CP Môi trường Thái Nguyên tại xã Minh Đức (TP. Phổ Yên).
Ngoài ra, một số địa phương đã lắp đặt, sử dụng lò đốt rác mini, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý RTSH trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, lò đốt tại thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ); lò đốt rác tại thị trấn Chợ Chu và các xã Bình Yên, Phú Đình, Tân Thịnh (Định Hóa); lò đốt rác thị trấn Đình Cả (Võ Nhai).
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Luật Bảo vệ môi trường, UBND các huyện, thành phố đã quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp khu xử lý chất thải; bổ sung trang thiết bị thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt; ban hành đề án và tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; thiết lập tổ thu gom rác tại các xã, xây dựng hương ước vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Nhờ đó, tất cả 9 huyện, thành phố của tỉnh đã bố trí các khu xử lý rác sinh hoạt, trong đó 3 thành phố (Sông Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) đã thu hút đầu tư dự án nhà máy đốt rác quy mô công nghiệp không thu hồi nhiệt.
Hạ tầng phục vụ phân loại rác tại nguồn gặp khó
Mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng công tác thu gom, xử lý RTSH của Thái Nguyên vẫn đang gặp khó khi một số địa phương còn tồn tại các khu chôn lấp chưa hợp vệ sinh nhưng chưa có kế hoạch đóng cửa hoặc nâng cấp cải tạo như huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, TP. Sông Công.
Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ phân loại rác tại nguồn, trang thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng là những trở ngại của tỉnh.
Ông Tạ Viết Duyên, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Sông Công, cho hay: Cũng giống như nhiều địa phương trong tỉnh, việc phân loại rác tại nguồn ở địa phương chủ yếu được các hộ gia đình, cá nhân tự thực hiện và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân bón hữu cơ, các loại rác thải có khả năng tái chế được bán phế liệu; phần rác không tận dụng, tái chế được chuyển giao đi xử lý. Thực tế này gây khó khăn cho xã, phường, thị trấn trong tỉnh khi việc tự phân loại RTSH của người dân nhiều khi chưa đạt yêu cầu.
Ngoài ra, hạ tầng về bảo vệ môi trường trong việc xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt, việc bố trí điểm tập kết, trạm trung chuyển khó khăn đối với việc xác định vị trí, quỹ đất xây dựng cũng là một rào cản. Nhất là khi ý thức về bảo vệ môi trường của người dân, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn hạn chế, ý thức tự giác bảo vệ môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên chưa cao; tình trạng vứt rác, xả nước thải bừa bãi ra các khu đất trống, khu vực sông, suối và khu công cộng còn xảy ra ở một số nơi. Bà Nguyễn Thị Nga, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) nói: Do tình trạng vứt rác bừa bãi của người dân nên sau trận lũ lịch sử hồi tháng 9 vừa qua, rác thải mắc đầy hai bên bờ sông Cầu gây mất mỹ quan đô thị…
Đối với một số huyện miền núi, dân cư sinh sống không tập trung, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, các điểm bố trí thùng rác, nhất là điểm ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng cách xa nên đơn giá vận chuyển chưa phù hợp.
Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nói chung và xử lý RTSH nói riêng, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng là rất quan trọng.
Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm quản lý chất thải rắn, chất thải y tế nguy hại, giảm thiểu phát thải rác thải nhựa ra môi trường. Đặc biệt là cải tiến quy trình, cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý rác thải góp phần giảm thiểu lượng rác thải hiện đang chôn lấp và đốt thông thường; thay đổi công nghệ xử lý rác, tận thu tài nguyên, năng lượng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân…
Sản phẩm bao túi nilon, đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần là thành phần phổ biến trong rác sinh hoạt do sự tiện lợi và thói quen sinh hoạt của người dân Thái Nguyên. Theo đó, tỷ lệ chất thải rắn có thể tái chế chiếm khoảng 2,7-6,5% giấy, bìa carton 3,1-4,2% nhựa; vỏ hộp từ 2,2-3,7%... Hiện, khu vực đô thị có tỷ lệ RTSH được thu gom xử lý đạt khoảng 81,09%, ở khu vực nông đạt 70%.