Xử lý sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: 'Vừa đá bóng, vừa thổi còi'
Sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là rõ ràng, nếu sửa sai theo kiểu 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' chỉ khiến cho sai phạm càng thêm nghiêm trọng... TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau khi Bộ Công an có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả điều tra ban đầu và nhiều vấn đề sai phạm nghiêm trọng.
Sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được phát lộ từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Đúng là vấn đề của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được nói đến rất nhiều trong suốt gần 3 năm qua. Từ vấn đề chất lượng công trình đến công tác đấu thầu, chuyển nhượng thầu. Đây rõ ràng là sai phạm mang tính chất hệ thống, từ khâu thiết kế, thi công, xét duyệt, quản lý nhà thầu, quá trình thực hiện, quá trình kiểm tra, giám sát. Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát... cũng cần xem xét lại công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và nghiệm thu của các cơ quan quản lý và thẩm định chất lượng đối với tuyến cao tốc này. Không thể nào một dự án cao tốc trọng điểm với những sai phạm nghiêm trọng như thế mà lại có thể lọt qua hàng loạt khâu giám định, nghiệm thu để đưa vào hoạt động được.
Ngay từ đầu khi phát hiện vấn đề tại cao tốc này, Bộ GTVT đã vào cuộc nhưng việc “sửa sai” vẫn không đi đến đâu mà lại xuất hiện những chỗ hỏng mới, dư luận vẫn bức xúc. Theo ông nguyên nhân do đâu?
- Trước khi dự án bị vỡ lở về chất lượng công trình vào năm 2018, thì trước đó dự án này cũng đã nhiều lần bị các đoàn kiểm tra chỉ ra sai phạm. Vấn đề nằm ở chỗ cách sửa sai của Bộ GTVT là không hợp lý. Bộ giao cho chủ đầu tư sửa sai trong khi đơn vị này lại thiếu trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ.
Bộ Công an cho rằng, Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chịu trách nhiệm nghiên cứu, sửa chữa hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trong khi VEC lại không đáp ứng được yêu cầu về năng lực. Ông nghĩ sao về điều này?
- Rõ ràng Bộ GTVT giao cho VEC sửa sai cho chính những sai phạm mà đơn vị này góp phần tạo ra chẳng khác nào trao cho họ cái quyền “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đáng ra việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phải thuộc về một đơn vị độc lập chứ không phải chủ đầu tư. Bộ GTVT hoàn toàn có thể đứng ra chủ trì, thành lập một hội đồng độc lập để nghiên cứu giải pháp cũng như tổ chức thực hiện việc này.
Từ vấn đề tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, có thể rút ra được bài học gì trong công tác quản lý, giám sát và xử lý sai phạm tại những công trình giao thông trọng điểm hiện nay?
- Theo tôi, nguyên nhân chính khiến những sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cứ dai dẳng trong suốt thời gian qua là bởi cách xử lý thiếu dứt khoát và có phần hời hợt của Bộ GTVT. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta đang gặp phải khi xử lý “phần hậu” tại những công trình giao thông có sai phạm. Trong vấn đề này, đòi hỏi cơ quan giám sát và quản lý dự án phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn đối với trách nhiệm của người đứng đầu chứ không thể kéo dài tình trạng “lưu cữu” sai phạm.
Xin cám ơn ông!