Xử lý sao khi người làm dịch vụ lái xe có nồng độ cồn đưa người say về nhà?
Một người nhậu say, qua ứng dụng dịch vụ chạy xe hộ đã nhờ tài xế chở về nhưng tài xế lại có nồng độ cồn... là vấn đề nhiều bạn đọc thắc mắc
Mới đây, anh L.C.Q (36 tuổi, thường trú tại Kon Tum) bị Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum lập biên bản vi phạm và tạm giữ phương tiện do vi phạm nồng độ cồn.
Đáng nói, anh Q. là người làm dịch vụ lái xe đưa người uống rượu bia về nhà.
Cụ thể, khoảng 20 giờ ngày 12-5, anh Q. có nồng cồn là 0,028 mlg/l khí thở song vẫn chạy xe trên Quốc lộ 24. Với lỗi này, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày theo Nghị định 100/2019.
Từ thông tin trên, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Một người (tạm gọi là A.) nhậu say, qua ứng dụng dịch vụ chạy xe hộ để nhờ tài xế (tạm gọi là B.) chở về. Tuy nhiên, B. có nồng độ cồn trong máu. Vậy ai là người chịu trách nhiệm khi xe anh A. bị tạm giữ?
Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần), đối với trường hợp B. có nồng độ cồn trong máu, sau khi ký biên bản vi phạm thì xe của A. vẫn bị tạm giữ 7 ngày theo Nghị định 100.
Chủ xe thuê B. lái hộ có trả tiền đồng nghĩa hai bên đã hình thành giao dịch dân sự nên với lỗi này, B. bị tước giấy phép lái xe 10-12 tháng và tự đóng tiền phạt.
Căn cứ theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, A. có thể làm đơn khởi kiện B. để nhờ tòa án giải quyết những thiệt hại do tài xế gây ra cho A.