Xử lý tai nạn ngày Tết đúng cách để giữ gìn sinh mạng
Dù không muốn song những tai nạn do sự bất cẩn hoặc vô tình vẫn ập đến khiến nhiều người thương vong. Nếu biết cách sơ cứu sẽ góp phần giữ được mạng sống cho nạn nhân
Tai nạn xe cộ, tai nạn sinh hoạt hay những sự cố do hóc dị vật trong những ngày Tết xảy ra khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách sơ cứu đúng cách để hạn chế tổn thương cho bản thân và người thân của mình.
Có thể chết oan vì được...cấp cứu
Ghi nhận tại nhiều cơ sở y tế cho thấy vào những dịp lễ, Tết số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT), tai nạn sinh hoạt tăng hơn hẳn ngày thường. Theo ông Nguyễn Ngọc Thực, điều dưỡng trưởng khu vực cấp cứu, Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), khi TNGT xảy ra, hầu hết các nạn nhân thường được chuyển thẳng đến các cơ sở y tế mà không được sơ cứu ban đầu hoặc nếu được sơ cứu thì chất lượng cũng rất thấp. Theo một nghiên cứu của BV này, trong số 300.000 nạn nhân nhập viện vì TNGT, chỉ có 5%-10% người được sơ cứu tại chỗ nhưng hơn 50% là sơ cứu sai kỹ thuật, vận chuyển tới viện thiếu an toàn.
Ông Thực phân tích sơ cấp cứu ban đầu khi bị tai nạn, đặc biệt là TNGT có ý nghĩa sống còn đối với rất nhiều người. Việc không được cấp cứu ban đầu hoặc có được cấp cứu nhưng không đúng cách đã vô tình làm tình trạng nạn nhân nặng thêm, biến chứng phức tạp thậm chí tử vong không đáng có trước khi đến viện. Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Thực truyền kinh nghiệm với người bị TNGT, việc đầu tiên là ta cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do chất nôn, đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải móc ngay ra. Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng quần áo, khăn quàng, thậm chí dùng tay mình đè ép lên vị trí trước đường đi của mạch máu. Với người có tổn thương chi như gãy xương tay, chân, phải cố định chi gãy rồi mới đưa đến bệnh viện. Trong trường hợp nặng như hôn mê, ngừng thở, ngừng tim, cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi bằng cách hà hơi thổi ngạt; kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết và cuối cùng là chuyển ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất.
Khi bị vật sắc nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì trong quá trình rút có thể sẽ làm đứt mạch máu và máu sẽ phun mạnh, khó cầm máu và nạn nhân sẽ mất máu rất nhiều, có thể tử vong. "Đặc biệt, khi di chuyển nạn nhân cần từ 2-3 người để nâng nhấc nạn nhân lên theo mặt phẳng chứ tuyệt đối không được bế xốc bổng hay bế gập người lại. Với những trường hợp chấn thương đốt sống cổ, cột sống lưng, chấn thương sọ não, chấn thương bụng…, khi bị vác, xốc ngược sẽ gây tổn thương thứ phát làm cho tình trạng nặng thêm, di chứng năng nề, có thể dẫn đến tử vong. Đây là sai lầm dễ mắc nhất của người cứu hộ thiếu kiến thức" - điều dưỡng Thực lưu ý.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, mỗi năm, nước ta có khoảng 50.000 người bị thương do TNGT cần sơ cấp cứu và khoảng 12.000 trường hợp tử vong do TNGT. Các bác sĩ cho biết, với các tai nạn thương tích, nếu được cấp cứu đúng cách có thể giúp tăng 50% cơ hội sống cho nạn nhân.
Đề phòng chấn thương mắt
Trong khi đó theo bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt trung ương, ngày Tết trong khi người lớn bận rộn nhưng trẻ con được nghỉ học dài ngày và thỏa thích vui chơi dễ dẫn đến các tai nạn do bất cẩn. Nguyên nhân là do những vật dụng trang trí đón Tết, như: cành đào đâm vào mắt, bóng đèn nhấp nháy, tai nạn do pháo hoặc bị vật sắc nhọn chọc khi vui đùa...
Dù đã cấm đốt pháo từ lâu nhưng một số nơi vẫn lén lút đốt pháo. Vì thế, năm nào cũng có người bị chấn thương mắt do pháo. "Chỉ trong mấy ngày Tết năm Đinh Dậu, BV Mắt trung ương đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị tổn thương mắt do pháo, gây giảm thị lực. Có trường hợp ngay đêm giao thừa đã phải nhập viện vì pháo hoa rơi vào mắt" - bác sĩ Cương kể.
Về việc sơ cứu chấn thương vùng mắt, bác sĩ Lê Trọng Cường, Khoa Khám bệnh - BV Mắt Hà Nội 2, nhận định sai lầm lớn nhất các nạn nhân thường dụi mắt, tự ý lấy dị vật hoặc băng bó vết thương quá chặt. Điều này có thể khiến thị lực bị ảnh hưởng thậm chí mù lòa vĩnh viễn. Bác sĩ Cường khuyến cáo với vết thương có chảy máu chỉ nên băng che, vết thương có sưng nề, bầm tím có thể đắp đá hoặc nước lạnh và hãy đưa ngay nạn nhân đến chuyên khoa mắt gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không day, dụi mắt; không đè ép, xối rửa hay bôi thuốc gì vào mắt. Chỉ nên rửa mắt dưới vòi nước, nhúng mắt vào nước sạch khi bị bụi hay hóa chất lọt vào.