Xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện sáp nhập, các đơn vị hành chính cấp xã đã hoạt động ổn định, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, sau sáp nhập, một số tài sản nhà, đất dôi dư, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai nhưng xử lý số tài sản dôi dư cần có thời gian, dẫn đến tình trạng một số cơ sở nhà, đất chất lượng công trình không được đảm bảo theo thời gian do không được sử dụng thường xuyên, đặt ra vấn đề cần tiếp tục tập trung giải quyết.

Kỳ I: Tài sản công, không để phí

Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trụ sở UBND xã Bình Bộ cũ, huyện Phù Ninh được cải tạo, nâng cấp đầu tư làm Bệnh viện dã chiến của huyện.

Khai thác công năng tài sản…

Thực hiện Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2019- 2021, tỉnh sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 huyện, thành, thị để thành lập mới 28 đơn vị sau sắp xếp. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 225 đơn vị, giảm 52 đơn vị hành chính cấp xã so với trước khi sắp xếp. Sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, có nhiều vấn đề được đặt ra như sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức; ổn định chỗ làm việc, cơ sở vật chất cho cán bộ, thuận tiện cho người dân đến giao dịch… Do đó, việc sắp xếp quản lý, xử lý tài sản nhà, đất dôi dư nói chung và trụ sở làm việc nói riêng là vấn đề cần thiết.

Xác định rõ điều này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành, thị khẩn trương thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất đảm bảo công khai, dân chủ, đặc biệt là phương án xử lý đối với trụ sở làm việc, nhà văn hóa dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167.

Theo đó, các địa phương đã tập trung rà soát, đối chiếu, kiểm tra hiện trạng thực tế các cơ sở nhà, đất, đánh giá theo các tiêu chí, quy định để lựa chọn hình thức sắp xếp phù hợp. Các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất lập báo cáo kê khai đối với tất cả các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý, gửi cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định.

Trong thời gian hoàn thiện các quy trình sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà, đất, nhiều tài sản nhà, đất dôi dư đã được các địa phương linh hoạt chuyển đổi công năng phục vụ mục đích công như sử dụng thành điểm trường, địa điểm làm việc của công an xã, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao… Nhờ vậy, tránh được tình trạng tài sản để không, lãng phí.

Ba xã Tử Đà, Bình Bộ và Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh thực hiện sáp nhập thành xã Bình Phú. Sau khi sáp nhập, xã Bình Phú dôi dư hai trụ sở làm việc, hai trạm y tế xã và một số nhà văn hóa khu dân cư. Hiện các trụ sở dôi dư được xã trông coi, giữ nguyên hiện trạng.

Đồng chí Hà Kế Tài - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết: Đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 10/2021 trụ sở UBND và trạm y tế của xã Bình Bộ cũ được cải tạo, nâng cấp đầu tư làm bệnh viện dã chiến của huyện. Trong khi chờ hoàn thiện các quy trình, thủ tục xử lý tài sản nhà, đất, nhiều nhà văn hóa khu dân cư dôi dư trên địa bàn xã cũng được người dân sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao. Đối với trụ sở xã Vĩnh Phú cũ theo phương án đề xuất sẽ để một phần diện tích chuyển giao cho trường mầm non, một phần để xây dựng nhà văn hóa khu dân cư.

Cũng như xã Bình Phú, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê được sáp nhập từ bốn xã, thị trấn là Sai Nga, Sơn Nga, Thanh Nga, thị trấn Sông Thao. Trước khi xây dựng phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất, hai trụ sở xã Sơn Nga và Sai Nga cũ được thị trấn chỉnh trang làm điểm tiếp dân, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Trần Văn Thảo, đặc thù đơn vị hành chính mới dân số đông, địa giới hành chính rộng nên rất cần những địa điểm phù hợp để phục vụ cộng đồng. Thời gian qua, hai địa điểm trên đã phát huy rất hiệu quả, nhất là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài những tài sản nhà, đất được khai thác công năng sử dụng vào mục đích công tránh để lãng phí, hạn chế xuống cấp trong khi chờ xử lý, ở một số địa phương vẫn có tình trạng cơ sở nhà, đất có công năng sử dụng thấp, không có người sử dụng nên tình trạng xuống cấp công trình là điều khó tránh khỏi.

Trong thời gian chờ hoàn thiện hồ sơ theo phương án được phê duyệt, nhiều nhà văn hóa khu dân cư dôi dư trên địa bàn Cẩm Khê được sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân.

…và câu chuyện tài sản dôi dư

Trước khi sáp nhập, nhiều địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Những công trình thực hiện theo tiêu chí NTM như trụ sở làm việc, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư... đã được các xã cũ đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Vì vậy, sử dụng thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí các công trình đang là vấn đề được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm.

Thực tiễn hiện nay đang có tình trạng thừa số lượng, thiếu quy mô, chất lượng đối với cơ sở nhà, đất là trụ sở, trạm y tế và nhà văn hóa khu dân cư ở các địa phương thực hiện sáp nhập.

Đồng chí Vũ Tiến Dũng- Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phù Ninh cho biết: Sau sáp nhập, mỗi xã chỉ lựa chọn một trạm y tế, mỗi khu dân cư lựa chọn một nhà văn hóa để làm không gian sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên do số hộ, số nhân khẩu tăng lên, trong khi đa phần các cơ sở nhà, đất đều được thiết kế, xây dựng từ trước nên quy mô không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Còn đối với các trụ sở làm việc, do phải lựa chọn ở vị trí trung tâm xã mới, thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như thuận lợi cho người dân đến giao dịch nên có những trụ sở chất lượng công trình vừa mới, vừa tốt hơn vẫn phải đưa vào diện xử lý.

Theo Quyết định số 3040/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt bổ sung phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Phù Ninh, trong đó có phương án xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, hiện huyện đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục, lập hồ sơ cụ thể đối với từng trường hợp gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xử lý theo phương án đã được phê duyệt, địa phương còn gặp một số vướng mắc như khi điều chuyển tài sản sang đơn vị khác, vì công năng của các công trình được thiết kế, xây dựng theo mô hình riêng nên để đưa vào sử dụng mục đích khác cần phải có nguồn kinh phí sửa chữa, cải tạo cho phù hợp. Để làm được điều này, liên quan đến việc bổ sung vào danh mục đầu tư công theo giai đoạn. Mặt khác, có những cơ sở nhà, đất do yếu tố lịch sử để lại, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng cũng bị ảnh hưởng.

Tại huyện Cẩm Khê, việc thực hiện sáp nhập 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn để thành lập ba xã, thị trấn mới cũng làm dôi dư nhiều tài sản nhà, đất. Theo phương án đã được tỉnh phê duyệt, các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập được giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc được bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; điều chuyển sang cho cơ quan, đơn vị khác; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý. Cũng trong tình trạng chung của các địa phương, đối với phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mặc dù phương án đã được phê duyệt nhưng việc thực hiện phương án phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên năm 2021, các cơ sở nhà, đất được đề xuất bán không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên Cẩm Khê phải chờ bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất mới có thể thực hiện phương án. Mặt khác, việc thực hiện bán tài sản công trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá phải qua nhiều trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật nên thời gian thực hiện kéo dài.

Với thực trạng như hiện nay, vấn đề xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã cần có giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ, nhằm phát huy hiệu quả tài sản của Nhà nước.

Kỳ II: Giải bài toán tài sản dôi dư

Phương Thảo - Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xay-dung-dang/xu-ly-tai-san-doi-du-sau-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-xa/185943.htm