Xử lý tận gốc xe 3, 4 bánh tự chế
Mặc dù đã bị dừng đăng ký mới từ hơn chục năm nay, cấm lưu hành trong các khu vực trung tâm, nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành luật pháp, thường xuyên điều khiển các loại xe ba gác tự chế, xe 3, 4 bánh chở hàng cồng kềnh, vận chuyển tôn, thép có chiều dài vượt nhiều lần so với thùng xe.
Hành vi này đã gây nhiều vụ tai nạn giao thông khiến người đi đường bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu, thậm chí có trường hợp tử vong tại chỗ. Đã đến lúc cần phải có biện pháp xử lý triệt để nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ an toàn cho người đi đường.
“Hung thần” trên các cung đường
Sau thời gian tạm lắng, gần đây, xe ba gác, xe 3, 4 bánh tự chế lại ngang nhiên hoạt động trở lại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Một số chủ xe bất chấp luật lệ giao thông, sẵn sàng chở những sóng tôn, cây sắt dài hơn chục mét vô tư tham gia giao thông, đi vào các con đường ở trung tâm thành phố có mật độ giao thông cao. Để né tránh CSGT phát hiện, xử lý, tài xế thường cho xe chạy với tốc độ cao và giành đường, lấn tuyến, nẹt pô ầm ĩ... Ngoài việc làm mất trật tự giao thông, sự xem thường pháp luật của những người này còn gây nhiều vụ tai nạn, trong đó có những vụ gây ra cái chết cho người đi đường.
Điển hình, rạng sáng 28/3/2021, anh Lê Phú Vinh điều khiển xe Exciter 78G1-527.52 chở phía sau Nguyễn Văn Hòa (cùng sinh năm 2001, tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) lưu thông trên đường Tô Ngọc Vân, hướng từ cầu Bà The ra quốc lộ 1. Khi đến khu vực trước nhà số 99C, đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 thì xảy ra va chạm với xe 3 bánh lưu thông hướng ngược lại. Sau đó, xe 3 bánh tông vào xe máy 78H7-6754 do anh Lê Văn Huy (sinh năm 2002, ngụ Đồng Nai) điều khiển, khiến anh Vinh và anh Hòa văng vào tủ kim loại có gắn kính ở trên lề đường, nằm bất tỉnh, riêng anh Huy may mắn chỉ bị trầy xước nhẹ. Thấy vậy, tài xế xe ba gác tăng ga bỏ chạy khỏi hiện trường, một số người đi đường đưa nạn nhân Vinh vào Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, mất máu nhiều nên anh Vinh không qua khỏi.
Gần đây nhất, khoảng 9 giờ, ngày 7/11/2023 tại giao lộ 3 Tháng 2 với Sư Vạn Hạnh, phường 10, quận 10, TP Hồ Chí Minh xảy ra một vụ va chạm giữa xe gắn máy với xe xích lô chở tấm thạch cao và ống thép dài gấp nhiều lần phương tiện khiến người phụ nữ điều khiển xe gắn máy tử vong.
Đây chỉ là một số trong những vụ tai nạn nghiêm trọng mà chúng tôi nêu ra. Thực tế, theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã tạm giữ 713 xe 3, 4 bánh vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt không giữ phương tiện đối với hàng trăm trường hợp khác.
Điệp khúc “vì cuộc sống khó khăn” nên... phạm luật
Ngay sau vụ tai nạn thương tâm này, chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát thực tế dọc theo quốc lộ 1 từ vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân đến cầu vượt Linh Xuân, TP Thủ Đức và ghi nhận có rất nhiều xe 3, 4 bánh tự chế hoặc xe nhập khẩu từ Trung Quốc chở hàng hóa cồng kềnh, không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường. Ngoài người lái xe dùng một tay điều khiển, tay còn lại liên tục bấm điện thoại, bên cạnh còn một người khác ngồi ghé một bên mông lên nắp hộp đựng phụ tùng sửa chữa, đầu ngả ra ngoài, miệng liên tục phát âm thanh xin đường giống như xe đò của mấy chục năm về trước. Cũng trong chuyến khảo sát này, chúng tôi còn ghi nhận hầu hết các cửa hàng bán vật liệu xây dựng, tôn, thép, ống sắt, ống nước đều có ít nhất từ 1-2 chiếc xe 3 bánh tự chế để chở hàng hóa.
Rẽ qua quốc lộ 1K, đoạn phường Linh Xuân, TP Thủ Đức giáp ranh với TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chúng tôi ghi nhận có những xe 3 bánh chở các cuộn tôn dài hàng chục mét, chở ống sắt có chiều dài tương tự đang bị tổ tuần tra của CSGT Công an TP Thủ Đức ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Vừa dừng lại, hai tài xế hớt hải chạy đến phân bua: “Em là Toàn, vừa đưa vợ và hai con từ quê miền Tây lên thuê nhà trọ được gần tháng nay. Một mình lao động kiếm tiền lo cuộc sống cho cả nhà, xin các anh phạt nhẹ thôi chứ nặng quá thì hết tiền mua gạo”... Người còn lại tên Quyết chỉ tay về hướng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2: “Mẹ em bị bệnh nan y mới từ miền Trung vào điều trị. Bết bát quá nên em xin vào làm thuê ở cửa hàng bán tôn, xà gồ kiếm tiền phụ mẹ mua thuốc. Xin các anh bỏ qua cho lần này và cũng là lần cuối cùng...”. Đến khi được yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe, giấy tờ xe thì cả hai cùng có thái độ phản ứng: “Muốn giữ xe thì cứ giữ đi”, rồi đối tượng quay mặt đi thẳng vào con hẻm gần đó.
Cần xử lý tận gốc
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ trong tổ tuần tra cho biết, việc tài xế điều khiển xe 3, 4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh, khi bị xử lý có phát ngôn khó nghe rồi bỏ cả xe lẫn hàng là chuyện thường xảy ra. Đa số những người chạy xe ba gác, xe 3, 4 bánh tự chế đều thông thuộc tất cả đường ngang, ngõ tắt và cũng rất hiểu luật giao thông cùng những chế tài phải chịu khi vi phạm, nhưng chỉ vì chút lợi ích trước mắt mà họ bất chấp tính mạng của những người đi đường. Ngoài những chuyên đề chuyên về xử lý xe 3, 4 bánh tự chế chở hàng cồng kềnh, tuyên truyền đến từng cửa hàng bán sắt, thép, gỗ, vật liệu xây dựng theo chỉ đạo của Công an TP Thủ Đức, hằng ngày, trong lúc tuần tra hoặc thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, anh em trong tổ cũng chủ động phát hiện, xử lý đối với các lỗi vi phạm của loại phương tiện này. Trường hợp không ràng buộc hàng hóa trên thùng xe thì chỉ nhắc nhở, yêu cầu khắc phục tại chỗ để họ tiếp tục hành trình, riêng các trường hợp chở hàng hóa vượt khỏi tổng thành của thùng xe thì kiên quyết xử lý.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cửa hàng và tài xế vì lợi ích trước mắt, vẫn lén lút thực hiện các vụ vận chuyển sắt thép, tôn vi phạm các quy định về an toàn giao thông vào ban đêm, nhất là thời điểm từ 11 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau hoặc lúc giữa trưa. Nhiều tài xế khi vận chuyển còn tìm cách đối phó với CSGT bằng việc cho người chạy xe gắn máy đi trước để dò đường và khi thấy có trạm, chốt của tổ chuyên đề thì dùng điện thoại thông báo để tài xế cho tấp xe vào lề chờ đến khi tổ chuyên đề rời đi thì tiếp tục vận chuyển. Trong trường hợp xe có chất sắt thép, tôn vượt quá quy định nhưng đậu ở lề đường thì CSGT không thể lập biên bản xử lý vi phạm được vì luật không cho phép. Đặc biệt, có những trường hợp ngày hôm trước bị xử lý vi phạm khi điều khiển xe cơ giới tự chế không có giấy tờ hợp pháp chở ống sắt vượt quá nhiều lần chiều dài thùng xe còn năn nỉ, than vãn là do hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định... thì ngày hôm sau đã điều khiển một chiếc xe 3 bánh tự chế khác chở những cuộn tôn dài hàng chục mét.
Bàn về vấn đề xe 3, 4 bánh tự chế, luật sư Nông Đức Minh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nêu rõ, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Đồng thời, tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng với người điều khiển xe tự chế vi phạm. Nếu gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị xử lý hình sự.
Mặc dù quy định đã rõ ràng, song cứ mỗi lần ra vùng ven là bắt gặp xe 3, 4 bánh chở hàng hóa, sắt thép, tôn lợp nhà vượt nhiều lần so với chiều dài của xe mà nếu không chủ động né tránh từ xa thì rất dễ bị húc ngang xương. Vấn đề chưa được xử lý triệt để là bởi chế tài xử phạt đối với người điều khiển còn quá nhẹ nên nhiều lái xe tự chế vẫn cố tình vi phạm chở hàng cồng kềnh. Thậm chí, nhiều trường hợp còn sẵn sàng bỏ xe lại do giá trị tài sản không cao, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Được biết, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Giao thông - Vận tải xây dựng đề án cấm xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm và tiến tới khai tử. Tuy nhiên, xét thấy sau dịch bệnh, đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là trên 30.000 người hành nghề chạy xe 3, 4 bánh (trong đó có xe tự chế) với trên dưới 100.000 người gồm vợ và con sống phụ thuộc vào nghề này nên UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện theo lộ trình: Giai đoạn 2021-2022, cấm các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm thành phố và một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm; đến năm 2025 thì chấm dứt hoạt động của các loại xe này.
Ngoài ra, thành phố cũng có chính sách hỗ trợ cho những người chạy xe 3, 4 bánh chuyển đổi nghề, nhưng vi phạm tái diễn ngày càng nhiều, một số người sau khi nhận tiền hỗ trợ đã không thực hiện chuyển đổi ngành nghề mà tiếp tục vận hành xe tự chế. Trước thực trạng này, đòi hỏi các cấp lãnh đạo, các ban ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt, nghiêm cấm xe ba gác lưu thông trong khu vực trung tâm, quyết liệt xử lý, tịch thu đối với xe ba gác tự chế, phạt thật nặng đối với những trường hợp xe có đăng ký nhưng vận chuyển hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tịch thu xe ba gác hoán cải chở tôn, sắt thép quá khổ...