Xử lý thế nào khi gặp người say nắng, say nóng?
Say nắng có thể gây ra những tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác; thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó cần phải biết cách xử lý kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Say nóng là gì?
Say nóng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ do ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường xung quanh ở mức cao và/hoặc do hoạt động thể lực quá mức, gây ra các biến chứng liên quan đến hệ thần kinh trung ương khiến bộ phận này bị rối loạn và mất kiểm soát. Tình trạng say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt)
Say nắng là gì?
Say nắng là tình trạng cơ thể tăng nhiệt độ cao (trên 40 độ C), thường kết hợp với mất nước. Hệ quả là hệ thống điều hòa nhiệt của cơ thể bị mất kiểm soát, gây ra những rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn… Nguyên nhân là do tác động của nắng nóng hay các hoạt động thể lực quá mức. Tình trạng say nắng thường đi kèm với say nóng.
Biểu hiện khi bị say nắng, say nóng
BS CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minhchỉ ra những biểu hiện của tình trạng say nắng như:
Sốt từ 40 độ C trở lên
Thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc hành vi (như lú lẫn, kích động, nói lắp)
Chóng mặt và choáng váng
Da khô, nóng hoặc tăng tiết mồ hôi
Buồn nôn và ói mửa
Da ửng đỏ
Mạch đập nhanh
Yếu cơ hoặc chuột rút
Thở nhanh
Đau đầu
Vô thức
Co giật
Xử trí say nắng, say nóng
Một điều cần nhấn mạnh là khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.
Vì vậy khi gặp người bị say nắng, say nóng, BS Đặng Hoàng Điệp cho biết phải thực hiện ngay các bước như sau:
Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát…). Đồng thời, gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ.
Khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch; áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể; đo nhiệt độ cơ thể nếu có nhiệt kế;
Cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt).
Đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ; cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được.
Chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân.
Phòng ngừa say nắng, say nóng trong mùa hè
Khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất bạn nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, bạn có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng bằng cách thực hiện các lưu ý sau:
Bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong những ngày nắng nóng
Mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành
Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên
Uống thêm nước. Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, bạn nên uống ít nhất 1,5 lít nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày. Bạn cũng có thể dùng nước uống thể thao giàu chất điện giải trong những ngày nhiệt độ lên cao và độ ẩm xuống thấp.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Khuyến nghị chung là uống khoảng 700ml nước vào thời điểm hai giờ trước khi tập thể dục và cân nhắc bổ sung thêm 250ml nước hoặc thức uống thể thao ngay trước khi tập. Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, bạn nên uống thêm 250ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát.
Thay đổi hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, hãy chuyển thời gian hoạt động ngoài trời vào những thời điểm mát mẻ nhất trong ngày, sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.
Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn. Bạn cũng không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cách đơn giản và an toàn nhất để thay thế muối và các chất điện giải trong các đợt nắng nóng là uống đồ uống thể thao hoặc nước trái cây.
Trường hợp mắc bệnh động kinh/ bệnh tim, thận/ gan… đang ăn kiêng hạn chế chất lỏng; hoặc cơ thể có vấn đề về giữ nước, bạn cần tư vấn bác sĩ trước khi tăng lượng nước cho cơ thể.
Hạn chế ra ngoài đường khi thời tiết nắng nóng. Tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nóng nhất trong ngày.