Xử lý thế nào vụ nam sinh lớp 8 ở Hà Nội bị bạn học bạo hành?
Qua vụ việc học sinh bị bạn học bạo hành tại Ứng Hòa mới đây, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để xảy ra sự việc trên, trước hết nhà trường cần rút kinh nghiêm trong công tác quản lý nói chung và công tác giám sát nói riêng.
Phê bình trưởng phòng, chủ tịch xã và hiệu trưởng
Trưa 28/11, mạng xã hội xuất hiện clip 16 giây với nội dung "Dã man các em học sinh nhấc bạn lên rồi đóng vào cột cờ, xảy ra tại Trường THCS Hòa Nam, huyện Ứng Hòa gây bức xúc dư luận.
Liên quan đến sự việc, UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành văn bản phê bình Trưởng phòng GD&ĐT huyện, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam, Hiệu trưởng trường THCS Hòa Nam về việc chậm trễ trong công tác thông tin, báo cáo khi xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên. Đồng thời, UBND huyện Ứng Hòa yêu cầu khẩn trương báo cáo cụ thể quá trình diễn ra sự việc, quá trình xử lý của các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Thông tin chi tiết về vụ việc, UBND huyện cho biết: Sự việc xảy ra vào khoảng 9h ngày 8/11 (giờ ra chơi tiết 2) tại Trường THCS Hòa Nam. Một nhóm học sinh lớp 8 gồm 5 em đã trêu đùa, khiêng bạn là em Đ.V.S (học lớp 8C) ấn, dúi vào cột cờ. Đến ngày 24/11, nhà trường mới biết được sự việc thông qua video clip do phụ huynh của em S. gửi giáo viên chủ nhiệm lớp 8C.
Ngay sau khi nhận được thông tin, nhà trường đã triệu tập các học sinh liên quan đến tường trình. Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhà trường đã báo cáo công an xã và đưa tất cả các học sinh liên quan sang trụ sở công an xã làm việc. Sau đó, công an xã đã hoàn thiện và lập hồ sơ vụ việc đối với những học sinh vi phạm. Nhà trường cũng đã phối hợp cùng gia đình đưa em S. đi bệnh viện kiểm tra, kết quả kiểm tra của bệnh viện kết luận em S. sức khỏe bình thường, không có ảnh hưởng gì.
Ngày 25/11, Trường THCS Hòa Nam đã thành lập hội đồng kỷ luật các học sinh vi phạm. Căn cứ quy định của Bộ GD&ĐT, hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định đình chỉ học 1-2 tuần đối với 6 học sinh vi phạm, bao gồm 5 em tham gia và 1 em quay clip, để các em nghiêm túc kiểm điểm hành vi của mình. Thời gian áp dụng hình thức kỷ luật từ 27/11. Nhà trường đã tiến hành hòa giải để các học sinh nhận ra lỗi sai và nghiêm túc sửa sai.
Theo thông tin từ nhà trường, sau khi sự việc xảy ra cho đến khi thành lập hội đồng kỷ luật, các học sinh vẫn tham gia học tập bình thường, không có hiện tượng mất đoàn kết. Ngày 28/11, học sinh S. vẫn đi học bình thường, sức khỏe ổn định.
Chiều 28/11, đại diện lãnh đạo Trường THCS Hòa Nam, công đoàn trường, đại diện UBND xã Hòa Nam đã đến thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của gia đình học sinh S. Gia đình em S. mong sự việc khép lại em được bình yên, ổn định tâm lý và tập trung học tập.
Về phía Sở GD&ĐT, ông Lê Ngọc Hoa - Chánh văn phòng Sở GD&DT Hà Nội cho biết, Sở nắm được thông tin phản ánh. "Sở đã nhận được báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa về vụ việc tại Trường THCS Hòa Nam. Tường trình của học sinh cho thấy, các em trêu đùa, nghịch ngợm. Rất may kết quả kiểm tra sức khỏe của học sinh không có vấn đề gì". Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các nội dung về đảm bảo an toàn trong trường học.
Nhà trường cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, để xảy ra sự việc trên, trước hết nhà trường cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nói chung và công tác giám sát nói riêng.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, học sinh ở lứa tuổi cấp THCS này rất hiếu động và tò mò, đôi khi có hành vi nghịch ngợm thái quá, dẫn đến xâm phạm thân thể người khác. Vì phạm vi trường học rất rộng, đối tượng học sinh đông nên các nhà trường cần tăng cường nhân lực cho bộ phận giám thị và lắp đặt camera ở các vị trí để giám sát chung mọi hoạt động xảy ra. Bộ phận trực phải quản lý sát sao khu vực sân trường, lớp học... để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra.
"Đối với những em học sinh có hành vi gây lỗi bị đình chỉ học, việc đình chỉ học nhằm mục đích giáo dục nên nhà trường, giáo viên cần liên hệ thường xuyên với các em; có thể yêu cầu các em hàng ngày đến trường và phối hợp các biện pháp giáo dục như lao động công ích, đọc sách… giúp các em nhận ra lỗi của mình, hướng đến việc học hỏi để có hành vi văn minh hơn", TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.