Xử lý tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới gặp khó

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thực trạng giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN còn nhiều khó khăn.

Thiếu vắng khung khổ pháp luật đặc thù

Trong “Nghiên cứu đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với các nước ASEAN” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mới công bố cho thấy, thực trạng giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN thời gian qua còn nhiều tồn tại và hạn chế.

Theo đó, là những tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định pháp luật; về năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng; về triển khai việc thực thi các cơ chế giải quyết tranh chấp; về ngôn ngữ; về việc thu thập chứng cứ, đặc biệt chứng cứ điện tử…

Nêu cụ thể hơn, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, khó khăn đầu tiên đối với việc giải quyết các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới tại Việt Nam đến từ việc thiếu vắng khung khổ pháp luật đặc thù để giải quyết loại tranh chấp này. “Giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới có những đặc điểm khác biệt, có quy trình giải quyết phức tạp, thậm chí còn liên quan đến các yếu tố chính trị ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia khác” - Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.

Các giao dịch tiêu dùng xuyên biên giới thường được thực hiện thông qua phương thức thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Hiếu

Các giao dịch tiêu dùng xuyên biên giới thường được thực hiện thông qua phương thức thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Hiếu

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp trung ương nêu dẫn chứng, trường hợp hai nước có những hiệp định tương trợ tư pháp, có thỏa thuận về việc giải quyết cá tranh chấp tư giữa thường nhân, công dân hai nước… thì việc giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới được “đối xử” theo quy trình thông thường, giống như giải quyết tranh chấp tiêu dùng trong nước sẽ không phù hợp, thậm chí còn lạc hậu khi số lượng các giao dịch thương mại điện tử ngày càng tăng lên.

Thêm nữa, hiện chưa có khung khổ pháp luật cho phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR), một phương thức được coi là phù hợp nhất đối với tranh chấp xuyên biên giới phát sinh từ giao dịch thương mại điện tử xuyên quốc gia. “Rất cần có quy định đặc thù về chủ thể, quyền và nghĩa vụ, quy trình thực hiện ODR và sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ chế giải quyết này ở Việt Nam” - Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhấn mạnh.

Với tồn tại, hạn chế về năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, tại Việt Nam, căn cứ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Trung ương được giao cho Bộ Công Thương và chức năng này được Bộ Công Thương giao cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; tại địa phương được giao cho Sở Công Thương (Phòng Quản lý Thương mại hoặc Chi cục Quản lý thị trường) và Phòng Kinh tế (cấp huyện).

Tuy nhiên, thực tế, ngay tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ có khoảng 14 cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, tại cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương còn thiếu nguồn lực hơn, khi thường chỉ có 1 cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng đồng thời kiêm nhiệm thêm 3 - 4 mảng công việc khác.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra các vấn đề về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Ảnh: Thanh Thư

Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra các vấn đề về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Ảnh: Thanh Thư

Người tiêu dùng còn “e ngại” trong giải quyết tranh chấp

Bên cạnh đó, thực trạng giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN còn gặp phải tồn tại, hạn chế liên quan đến việc triển khai việc thực thi các cơ chế giải quyết tranh chấp. Tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế các phương thức giải quyết tranh chấp này mới áp dụng cho giải quyết tranh chấp tiêu dùng trong nước, chưa có quy định chính thức cho giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới.

Hơn nữa, căn cứ trên quy định của pháp luật hiện hành, các tranh chấp trên lãnh thổ Việt Nam tại Tòa án phải là tiếng Việt. Tuy nhiên, các vụ việc xuyên biên giới đều sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. “Ngay cả trong trường hợp, các ngôn ngữ được hiểu, dịch và diễn giải ra tiếng Việt thì việc sử dụng những bản dịch không chính thức (free-translation) để phục vụ công tác tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khiếu nại vẫn chưa có những cơ sở pháp lý đầy đủ, dẫn tới những khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng”. Tuy nhiên do khác biệt về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, quy định pháp luật cho nên việc thu thập các chứng cứ cho giải quyết tranh chấp cũng gặp phải khó khăn.

Thực tế cũng cho thấy, các giao dịch xuyên biên giới thường được thực hiện thông qua phương thức thương mại điện tử. Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng không lưu giữ được các chứng cứ, bằng chứng giao dịch. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá và xử lý vụ việc.

“Thêm một khó khăn, tồn tại rất quan trọng là liên quan đến nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam. Hiện người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi của mình” - Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhấn mạnh.

Thời gian qua, Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Ủy ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ASEAN (ACCP), mạng lưới thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc tế (ICPEN), tổ chức quốc tế người tiêu dùng (CI), và ký kết các văn bản hợp tác song phương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Đây là cơ sở ban đầu quan trọng trong việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xu-ly-tranh-chap-tieu-dung-xuyen-bien-gioi-gap-kho-375063.html