Xử lý vật chứng ở giai đoạn tiền tố tụng cần rất thận trọng

Sáng 30.10, thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cơ bản nhất trí sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, tố tụng và xét xử một số vụ án hình sự; đồng thời nhấn mạnh, việc xử lý vật chứng ở giai đoạn tiền tố tụng cần rất thận trọng.

Làm rõ khái niệm “vật chứng và tài sản”

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm trong dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với pháp luật hiện hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

 Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2 sáng 30.10. Ảnh: T. Chi

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2 sáng 30.10. Ảnh: T. Chi

Băn khoăn về khái niệm “vật chứng và tài sản”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, ở đây có quan hệ giữa vật chứng và tài sản. Nếu là vật chứng thì hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định rõ khái niệm này và cũng quy định rõ các nội dung liên quan gồm: ai xử lý vật chứng, xử lý như thế nào, tài sản hoặc vật chứng gồm những gì và các loại tài sản đó thì từng bước xử lý như thế nào, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xử lý thế nào…

“Ở đây đưa cụm từ “tài sản” vào có nghĩa là không phải là vật chứng, không phải là vật chứng thì không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự, mà tài sản thì rất rộng, rất mênh mông”. Đặt vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần cụ thể hóa thêm khái niệm “vật chứng và tài sản”.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về quyền định đoạt và quyền quyết định đối với tài sản của những người bị tố giác, nghi can, bị can, bị cáo, người bị kết án ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội như thế nào?

Theo nguyên tắc chung về suy đoán vô tội, nếu chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án thì người bị tố giác, nghi can vẫn được đối xử như người vô tội. “Bây giờ, tài sản của người ta thì như thế nào?”. Đặt câu hỏi này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu rõ, tài sản là vật chứng thì xử lý theo Bộ Luật Tố tụng hình sự, còn tài sản không phải là vật chứng thì xử lý thế nào? Dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ việc xử lý tài sản của những người bị tố giác, nghi can, bị can, bị cáo, người bị kết án được áp dụng trong các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự để bảo đảm quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu và quyền quyết định của các người đại diện theo pháp luật của các pháp nhân.

Bảo đảm hài hòa lợi ích

ĐBQH Dương Văn Thăng cũng đề nghị rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết liên quan đến thời điểm áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, bảo đảm đúng với Kết luận số 87 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thông báo số 4411 ngày 17.10.2024 và kết luận kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 14.10.2024.

Theo đó, nội dung về xử lý vật chứng, tài sản chỉ nên áp dụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. "Việc xử lý vật chứng, tài sản của người chưa bị buộc tội có thể dẫn đến xâm phạm quyền tài sản theo quy định tại khoản 3, Điều 51 Hiến pháp. Do đó, việc xử lý vật chứng ở giai đoạn tiền tố tụng cần rất thận trọng, bởi giai đoạn này chưa biết có khởi tố vụ án cũng như khởi tố bị can hay không", đại biểu Dương Văn Thăng nhấn mạnh.

Kết luận số 87 của Bộ Chính trị cũng nêu vấn đề xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ ở kê biên và phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, vụ việc. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết thì việc xử lý vật chứng, tài sản mới được áp dụng đối với vật chứng là tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Điều này có nghĩa là các vật chứng, tài sản này đã áp dụng biện pháp ngăn chặn trước đó rồi.

Cũng theo quy định tại Khoản 3, Điều 147 và Điều 160 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành thì giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân không có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn. Về biện pháp xử lý bằng chứng thì theo quy định tại Điều 36, Điều 128, Điều 129 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan thực hiện tố tụng áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản đối với bị can, bị cáo, tức là sau khi có quyết định khởi tố bị can.

Về nguyên tắc thực hiện, đại biểu Dương Văn Thăng đề nghị, bổ sung các nguyên tắc sau vào Điều 2 dự thảo Nghị quyết: phải bảo đảm không phát sinh tranh chấp, vụ án khác và bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đối với vật mang dấu vết của tội phạm, là căn cứ để xác định tội danh, trách nhiệm hình sự thì việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân phải bảo đảm giá trị chứng minh của vật chứng đó để Tòa án xét xử và giải quyết vụ án, tránh làm oan người không có tội cũng như tránh bỏ lọt thủ phạm.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/xu-ly-vat-chung-o-giai-doan-tien-to-tung-can-rat-than-trong-post394860.html