Xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt tại Hà Nội
Ngày 15-8, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội và Công an huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp cùng Cục CSGT (Bộ Công an) tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông cho người dân sinh sống dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn thành phố.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), đây là hoạt động thường xuyên không chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà cả các địa phương khác. Để đạt hiệu quả tuyên truyền, Đội CSGT số 14, (Phòng CSGT Hà Nội) đã chủ động hoàn thiện làm mới tờ rơi với nội dung thiết thực, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, trong đó nhấn mạnh việc cần thiết phải tuân thủ các quy định về an toàn hành lang đường sắt, các quy định phòng tránh tai nạn…
Ghi nhận, sáng cùng ngày (15-8), tổ công tác gồm cán bộ CSGT và Công an thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) đã tổ chức tuyên truyền, xử lý những lỗi vi phạm liên quan đến an toàn giao thông đường sắt. Trong ca trực, tổ công tác đã xử lý 5 trường hợp vi phạm, chủ yếu là các lỗi không chấp hành tín hiệu an toàn, cố tình vượt qua barie chắn tàu khi có tín hiệu cảnh báo, tự ý đi tắt ngang đường sắt ở khu vực không an toàn…
Trung tá Trần Minh Kiên, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14 cho biết, từ đầu năm đến nay, không chỉ phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền cho người dân sinh sống dọc đường sắt Bắc - Nam đi qua các quận: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng… đơn vị còn tổ chức tuyên truyền cho học sinh các trường trên địa bàn có lối đi giao cắt với đường sắt.
Theo Cục CSGT, khảo sát các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng cho thấy, nạn nhân đều không phải người sinh sống dọc tuyến đường sắt. Điển hình là 2 vụ tai nạn gần đây nhất trên địa bàn huyện Thanh Trì. Trong đó, 1 nạn nhân tử vong là người ở quận Hai Bà Trưng, khi băng qua đường sắt thiếu quan sát đã va chạm với tàu hỏa. Còn nạn nhân tử vong ngày hôm qua (14-8) là người ở tỉnh Bình Định, do mâu thuẫn tình cảm nên trèo qua barie tự ý lao vào đoàn tàu đang di chuyển…
Cục Cảnh sát giao thông thống kê, Hà Nội có 40km đường sắt chạy qua với khoảng 1.000 lối đi ngang giao cắt khu dân cư, với các tuyến đường quốc lộ, đường nội đô và đường liên huyện… Hiện tại, ngành đường sắt đã bàn giao hồ sơ các lối đi ngang, đi tắt cho các địa phương quản lý. Những lối đi tự mở trên 3m kết nối khu dân cư đã được yêu cầu lắp cảnh báo.
Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền cảnh báo từ xa, cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp cùng công an địa bàn ứng trực và tổ chức tập huấn cho nhân viên ngành đường sắt, cũng như người dân sinh sống gần đó những biện pháp cảnh báo, xử lý và phòng tránh tai nạn, rủi ro cho người tham gia giao thông trong khu vực.
Tin, ảnh: PHẠM HƯNG
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.