Xử lý vi phạm đất đai tại làng nghề, hàng nghìn lao động nguy cơ mất việc
Hơn 100 hộ dân thuộc xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội kiến nghị về nguy cơ vỡ nợ và mất việc làm của gần 2.000 lao động khi UBND huyện Đan Phượng xử lý những vi phạm đất đai tồn tại hơn 10 năm nay. Các hộ dân này mong muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với làng nghề mộc truyền thống trên địa bàn xã.
Hơn 10 năm trước UBND xã Liên Hà, giao đất nông nghiệp tại khu Trũng Phan (xóm 1) với mục đích làm vườn ao chuồng. Tuy nhiên, khu đất cận làng nghề (nghề gỗ truyền thống xã Liên Hà) ô nhiễm, bụi và chất thải làng nghề khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn.
Gia đình anh Lê Văn Nam được nhận đất thực hiện phát triển vườn trại nhưng do thổ nhưỡng không phù hợp khiến việc sản xuất nông nghiệp “càng làm càng lỗ”. Gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác đã chuyển hướng sang phát triển phụ trợ ngành gỗ cho làng nghề truyền thống của xã Liên Hà.
“Ngay sát khu vực sản xuất là là làng nghề gỗ, nên khói bụi ô nhiễm; nuôi cá cá chết, trồng cây cây không lớn, bên cạnh đó, khu vực này vùng trũng khó sản xuất nông nghiệp nên chúng tôi chuyển đổi sang làm phụ trợ gỗ, chúng tôi làm hơn 10 năm nay hiệu quả kinh tế khá cao” - anh Lê Văn Nam chia sẻ.
Trong giai đoạn 2007 -2010, tại khu Trũng Phan (xóm 1) hơn 100 nhà xưởng được xây dựng trên một khu vực rộng lớn gần 6 ha, chính quyền đồng ý cho các hộ dân được cấp điện, cấp nước phục vụ sản xuất. Hệ thống giao thông, phòng cháy chữa cháy được người dân đầu tư xây dựng.
Khu vực sản xuất này cũng đã tạo việc làm cho gần 2000 lao động có việc làm ổn định, tháng được từ 5 -10 triệu tiền lương. Hiệu quả kinh tế từ làng nghề gỗ tự phát là có thật, nhiều hộ dân đã thoát nghèo.
Đến năm 2012, một đề án chuyển đổi đất nông nghiệp tại khu Trũng Phan (xóm 1) thành khu vực đất dịch vụ làng nghề được xây dựng, nhưng không hiểu vì lý do gì đề án này không được triển khai.
Vì đề án không được thực hiện, chưa được chuyển đổi sử dụng đất; gần 6 ha đất lán trại, nhà xưởng đang được UBND huyện Đan Phượng yêu cầu tháo dỡ, vì vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Thủy cho rằng: “Khi xây dựng chính quyền không xử lý vi phạm, ngăn chặn mà vẫn cấp điện nước để sản xuất, người dân đã đầu tư hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng mở rộng sản xuất, nay lại yêu cầu phá bỏ khiến người dân thực sự hoang mang”.
Ông Nguyễn Bá Dân cho biết, nếu dỡ bỏ toàn bộ hơn 100 nhà xưởng ở đây dẫn đến hơn 90% các hộ dân vỡ nợ ngân hàng, không có khả năng trả.
“Để đầu tư sản xuất nhà ít cũng vay vài trăm triệu đồng, còn với các gia đình sản xuất quy mô lớn thì hàng tỷ đồng. Giai đoạn kinh tế khó khăn, dịch Covid-19 chúng tôi đã vượt qua được, nhưng nếu phá bỏ nhà xuởng, ngừng sản xuất thì sẽ dẫn tới vỡ nợ hàng loạt, chúng tôi ngoài tín dụng ngân hàng, nhiều gia đình vay quỹ tín dụng nhân dân, UBND xã Liên Hà chắc chắn nắm được” - ông Nguyễn Bá Dân nói.
Là làng nghề gỗ tự phát nhưng lại đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình thoát nghèo, làng nghề cũng đóng góp vào kinh tế địa phương. Tuy nhiên, làng nghề lại đang được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và tồn tại hơn 10 năm nay.
Giữ hay phá bỏ làng nghề tự phát này, UBND huyện Đan Phượng phải chọn một giải pháp. Nếu phá bỏ sẽ gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng đầu tư của người dân cho khu vực sản xuất tồn tại hơn 10 năm nay. VOV.VN sẽ tiếp tục đề cập nội dung này.
Để giải quyết những tồn tại do giai đoạn trước, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội ban hành văn bản số 188 năm 2020. Tại khoản 2.1 điểm a đối với các trường hợp gia đình, cá nhân: “Đối với các trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014 trường hợp phù hợp với quy hoạch thì chỉ đạo UBND cấp xã lập hồ sơ vi phạm xác định thời điểm hộ gia đình, cá nhân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở trái phép để xem xét xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu các nghĩa vụ tài chính…”