Xử lý vi phạm hành chính trong khai thác khoáng sản: Chủ tịch xã được phép tịch thu tang vật trị giá 10 triệu đồng
Thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số địa bàn vẫn tiếp diễn. Các vụ việc nổi cộm đã được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Vận chuyển khoáng sản trái phép (ảnh Tư liệu).
Từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương đã xử lý 814 trường hợp vi phạm về khai thác, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt 5,66 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều vụ việc vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan chưa được thực hiện triệt để. Trong đó có các khu vực khai thác khoáng sản trái phép xuất hiện nhiều năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm như: Khu vực hồ Biển Lạc (tại xã Gia An, huyện Tánh Linh giáp ranh với huyện Đức Linh) hiện nay vẫn còn một số ghe có gắn thiết bị khai thác đang neo đậu, lén lút hoạt động khai thác cát trái phép. Khu vực khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn giáp ranh giữa xã Sơn Mỹ và xã Tân Xuân huyện Hàm Tân, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra, xác minh, song các đối tượng liên quan vẫn khai báo chưa thành thật, chưa thừa nhận hành vi khai thác khoáng sản trái phép của mình. Người dân xã Tân Xuân cho rằng, nguyên nhân của việc khai thác khoáng sản trái phép kéo dài là do việc xử lý chưa nghiêm; mức xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền còn thấp. UBND tỉnh cần xem xét, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã trong việc xử phạt vi phạm hành chính về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Được biết, về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nêu rõ: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt
quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này; d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.”. Mặt khác, tại Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định: “Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước…”.
Như vậy, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã về xử phạt vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng được quy định trong Luật của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. UBND tỉnh không có thẩm quyền xem xét, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã (bao gồm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản).
Tuy nhiên, hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022) tại điểm k khoản 73 Điều 1 đã sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của Chủ tịch UBND cấp xã. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2022 thì thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm của Chủ tịch UBND cấp xã được tăng lên, tức là được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng, thay vì 5.000.000 đồng như trước đây.