Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Nhân dân ủng hộ, đồng tình vì không có 'vùng cấm'!
Cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến QL1 do Công an TPHCM triển khai vừa qua, hay kế hoạch tổng kiểm soát tài xế điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn và các chất kích thích đã được Công an TP.Thủ Đức triển khai đều với quan điểm nhất quán: không có 'vùng cấm', không có ngoại lệ; nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của người dân.
"Ma men" gây hại
Thời gian trước, nhiều "dân nhậu" lợi dụng việc có các mối quan hệ trong xã hội để uống rượu, bia thoải mái rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường, thậm chí còn cản trở công tác xử lý của lực lượng CSGT. Hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra mà nguyên nhân chính do người điều khiển phương tiện là... "ma men"!
Trong quá trình xuyên đêm theo chân các tổ chuyên đề của lực lượng CSGT TPHCM xử lý vi phạm về nồng độ cồn, phóng viên đã nhiều lần bắt gặp những trường hợp "dở khóc dở cười" do các "ma men" vi phạm gây ra. Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng còn ghi nhận nhiều vụ người vi phạm luật giao thông lại say xỉn, sử dụng hung khí, bạo lực tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ, gây nguy hiểm cho các cán bộ trong tổ công tác. Mới đây nhất, ngày 16/11/2023, Công an Q5 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Thanh Cường (41 tuổi) về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, Cường đang lái phương tiện trên đường thì cán bộ của Đội CSGT Chợ Lớn ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Đối tượng này đã chống đối, đạp ngã môtô của CSGT và đánh cán bộ trong tổ công tác. Sau khi Cường bị khống chế, tổ công tác tiến hành đo và ghi nhận mức vi phạm về nồng độ cồn của đối tượng này cao ngất ngưởng.
Còn Võ Trung Nghĩa (39 tuổi) trong đêm 25/10/2023 đã sử dụng đá tảng ném thẳng vào đầu một cán bộ của Đội CSGT Cát Lái, chỉ vì "thương lượng" chung chi của mình bị từ chối thẳng thừng. Sau gần một ngày lẩn trốn, đối tượng đã đến trụ sở Công an TP.Thủ Đức đầu thú để mong nhận sự khoan hồng. Hay vụ Đặng Văn Đức (31 tuổi) sử dụng dao đâm trọng thương một cán bộ của Đội CSGT Bình Triệu, sau khi bị tổ công tác xác định lái xe mà vi phạm về nồng độ cồn. Sự việc xảy ra vào đầu tháng 7/2023, khiến dư luận một phen bất bình trước sự manh động, liều lĩnh của Đức.
Gần đây, tài xế Phạm Cao Trí (39 tuổi) điều khiển ôtô, vi phạm về nồng độ cồn, gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn, khiến một cô gái trẻ tử vong trên đường Nguyễn Văn Tăng (TP.Thủ Đức) đêm 12/11, thêm lần nữa gióng hồi chuông báo động: cần có động thái mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Tất cả các vụ việc trên đều phản ánh một cách chân thực về sự nguy hại của hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất kích thích khác.
Phát hiện nhà báo "dỏm" và nhiều giám đốc vi phạm
Phóng viên theo chân tổ chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn do Đội CSGT - Trật tự, Công an TP.Thủ Đức chủ trì, phối hợp một số đội nghiệp vụ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TPHCM), chứng kiến hàng loạt "ma men" tự nhận có "máu mặt" đã bị phát hiện và xử phạt. Trong đêm 16/11, cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an TP.Thủ Đức làm nhiệm vụ trên tuyến đường Lương Định Của - Trần Não (P.An Khánh), phát hiện và yêu cầu ông Đ.D.N (41 tuổi) đang điều khiển ôtô mang biển kiểm soát tỉnh Đồng Nai thực hiện kiểm tra nồng độ cồn.
Ông N. lấy từ trong túi ra một tấm thẻ, khẳng định mình là viên chức nhà nước và đề nghị CSGT... "ngó lơ”. Thiết bị nghiệp vụ của CSGT ghi nhận ông N. vi phạm nồng độ cồn mức 0,135mg/lít khí thở. Thấy tổ công tác lập biên bản, ông N. tiếp tục trình bày bản thân là phó giám đốc một sở ở tỉnh khác. Tuy nhiên, trước thái độ kiên quyết của các cán bộ CSGT, ông N. đành chấp nhận ký vào biên bản vi phạm hành chính rồi rời đi. Sau đó, lực lượng CSGT phát hiện trường hợp nghi vấn khác là ông N.Đ.K (30 tuổi) nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Ông K. móc trong túi ra một chiếc thẻ, tự nhận mình đang công tác tại một cơ quan báo chí và khẳng định mình là nhà báo. Tuy nhiên, khi bị tổ công tác tác truy hỏi, ông K. thay đổi thái độ, nhận sai và cho biết mình chỉ là một nhân viên kinh doanh nhà đất.
Sau 5 ngày (từ ngày 15 đến 19/11) triển khai tổng kiểm soát trên tuyến QL1, lực lượng CSGT đã kiểm tra 12.864 phương tiện. Trong đó, có 291 trường hợp tài xế vi phạm về nồng độ cồn, số vi phạm về ma túy là 11, vi phạm tốc độ là 151, vi phạm các lỗi khác là 509 trường hợp.
Còn trong đêm 17/11, tổ chuyên đề CSGT cũng phát hiện một trường hợp giảng viên đại học, một giám đốc doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng vi phạm về nồng độ cồn. Tất cả đều cùng chung một lý do nhằm bao biện cho lỗi sai của mình: uống bia rất ít nên vẫn đủ tỉnh táo để tham gia giao thông (!). Trong 2 ngày nghỉ cuối tuần vừa qua tại TP.Thủ Đức, lực lượng CSGT TP.Thủ Đức đã kiểm tra gần 2.000 trường hợp, xử phạt hơn 130 tài xế vi phạm, cả lái ôtô, môtô và xe máy.
Khi "dân nhậu" nâng cao ý thức
Trước động thái lực lượng CSGT kiên quyết xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, bên cạnh công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, người dân mà đặc biệt là "cánh mày râu" thường có thói quen uống rượu, bia đã nâng cao ý thức hơn, không điều khiển phương tiện sau cuộc vui. Ghi nhận tại một quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn (P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức), anh Nguyễn Mạnh Cường (22 tuổi) chia sẻ: "Sau mỗi cuộc nhậu, tôi chọn về nhà bằng cách đặt xe ôm công nghệ, bảo đảm an toàn cho bản thân mà chi phí cũng không quá cao".
Trong thời gian từ 21 giờ đến 22 giờ ngày 19/11, phóng viên ghi nhận có gần 20 lượt khách đến và rời quán nhậu trên bằng hình thức đặt xe ôm công nghệ. Xung quanh quán nhậu này có nhiều biển hiệu, biểu ngữ tuyên truyền về việc không lái xe sau khi đã uống rượu, bia được chủ cơ sở chủ động lắp đặt. "Chúng tôi rất hoan nghênh và hỗ trợ tối đa để khách sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ ra về sau khi uống rượu, bia. Khách có thể để xe qua đêm mà không bị phụ thu tiền, được nhân viên hỗ trợ đặt xe hoặc gọi cho người thân chở về nếu quá say xỉn" - Đại diện quán nhậu này cho hay.
Ghi nhận ở một số tuyến đường được mệnh danh là "phố ăn nhậu" tại TPHCM, dù lượng khách có ít hơn, song đại đa số "dân nhậu" đã nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn giao thông. Tại một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh), chủ cơ sở cho biết dù lượng khách tới quán giảm khoảng 20% so với trước, song lượng khách đặt món mang về lại tăng. "Trong giai đoạn này, chúng tôi phải tung ra nhiều hình thức kinh doanh mới, đáp ứng sự thay đổi trong xã hội để phục vụ khách hàng. Việc mua hàng mang về theo tôi là rất có lợi, lợi cho cả người bán và lực lượng giao hàng" - Chủ cơ sở nói.
Đây là tín hiệu tích cực sau những nỗ lực không ngừng của Bộ Công an trong việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, trước khi đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý. Lãnh đạo Bộ Công an đánh giá qua hơn 2 tháng thực hiện cao điểm tổng kiểm tra, kiểm soát ôtô vận tải hành khách, ôtô vận tải hàng hóa bằng container trên toàn quốc, đã đạt những kết quả nhất định. Trong đó, tình hình tai nạn giao thông tại TPHCM được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí, xử phạt gần 10.000 trường hợp xe khách, xe container vi phạm.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm về vận tải hành khách, hàng hóa vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bộ Công an đã yêu cầu Cục CSGT cùng Công an các tỉnh, thành trên cả nước phải nêu cao quyết tâm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long (Thứ trưởng Bộ Công an) đã chỉ đạo tổ chức thí điểm tổng kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT.