Xử lý vi phạm về đất đai: Sắp hết hạn vẫn chưa xong

Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 11/6/2020 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang và Kết luận số 120-KL/TU ngày 8/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành dù đã sắp hết hạn. Điều này khiến công tác quản lý nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn.

Nhiều công trình vi phạm trên đất

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), qua rà soát sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 19, toàn tỉnh có 444 trường hợp vi phạm về đất đai với các hành vi: Tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm.

Gia đình ông Trần Văn Hát, thôn Hùng Lãm 3, xã Hồng Thái (Việt Yên) tự ý xây nhà trên đất trồng cây lâu năm.

Gia đình ông Trần Văn Hát, thôn Hùng Lãm 3, xã Hồng Thái (Việt Yên) tự ý xây nhà trên đất trồng cây lâu năm.

Các huyện có trường hợp vi phạm nhiều gồm: Lạng Giang, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, Lục Ngạn. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, tỉnh yêu cầu các huyện, TP xử lý xong các trường hợp vi phạm này trước ngày 30/6. Thế nhưng đến giữa tháng 6, các địa phương mới xử lý được 373 trường hợp vi phạm, đạt 84% số trường hợp phải xử lý, còn 71 trường hợp đang xem xét giải quyết.

Ngày 22/6, tìm hiểu tại huyện Việt Yên được biết, trên địa bàn xã Hồng Thái và Quang Châu còn 3 trường hợp vi phạm về đất đai. Đó là hộ ông Trần Văn Hát, thôn Hùng Lãm 3, xã Hồng Thái tự ý xây nhà mái bằng, lợp tôn trên đất trồng cây lâu năm để làm quán bán hàng trên diện tích hơn 285 m2 vào ngày 30/12/2020. Đến nay, công trình này chưa tháo dỡ. Địa phương đã xử phạt hành vi trên nhưng hộ ông Hát không chấp hành.

Tương tự, hộ ông Vũ Khắc Định, thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu xây dựng xưởng may trên diện tích hơn 121 m2 đất lúa liền kề với đất ở. Đến nay, nhà ông Định chưa hoàn thành việc tháo dỡ công trình. Cũng tại thôn Nam Ngạn có hộ bà Nguyễn Thị Hiên xây dựng nhà ba tầng năm 2021 trên đất mua bán trái thẩm quyền với diện tích hơn 97 m2 (địa phương đang xác định nguồn gốc sử dụng đất để xử lý).

Tương tự, tại huyện Lạng Giang vẫn còn 3 trường hợp xây công trình vi phạm pháp luật về đất đai tại các xã Hương Sơn, Hương Lạc, Xuân Hương; các huyện Lục Nam, Yên Thế, Sơn Động, mỗi đơn vị còn từ 3-5 trường hợp. Đáng lo ngại, hai huyện Lục Ngạn và Hiệp Hòa có khá nhiều trường hợp vi phạm chưa khắc phục, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Cụ thể huyện Lục Ngạn còn gần 30 trường hợp; huyện Hiệp Hòa còn hơn 10 trường hợp.

Xử lý dứt điểm, không để phát sinh mới

Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả xử lý vi phạm về đất đai phát sinh sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 19 đạt kết quả thấp, chưa bảo đảm yêu cầu là do lực lượng tham mưu ở cấp huyện, cấp xã còn yếu trong công tác giải quyết, đề xuất phương án xử lý vi phạm.

Lực lượng chức năng xã Thái Đào (Lạng Giang) tháo dỡ công trình vi phạm trên đất lúa.

Lực lượng chức năng xã Thái Đào (Lạng Giang) tháo dỡ công trình vi phạm trên đất lúa.

Người đứng đầu các địa phương thiếu quyết tâm trong thực hiện Chỉ thị số 19. Có nơi chưa thực sự coi trọng công tác quản lý đất đai, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm, thậm chí là sau ngày ban hành Kết luận 120 như: Hiệp Hòa, Lục Ngạn. Theo ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở TN&MT, ở một số huyện, việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp xã được giao quản lý đất đai để xảy ra sai phạm chưa được thực hiện nghiêm. Có nơi chậm phát hiện vi phạm, xử lý thiếu kiên quyết.

Ngoài nguyên nhân trên, theo đại diện lãnh đạo UBND một số huyện, các trường hợp vi phạm chưa bị xử lý một phần là do thửa đất còn tranh chấp, điển hình như trường hợp của hộ ông Trần Văn Hát; hộ dân xây nhà kiên cố trong khi chỉ có một nhà ở duy nhất…

Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, hiện trên địa bàn còn 3 trường hợp vi phạm đất đai chưa xử lý xong, trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, thôn Hương Mãn (Xuân Hương) là hộ đơn thân nuôi hai con nhỏ trong khi gia đình không có chỗ ở khác nên địa phương đang xem xét xử lý.

Đến giữa tháng 6 năm nay, các địa phương mới xử lý được 373 trường hợp vi phạm, đạt 84% số trường hợp phải xử lý, còn 71 trường hợp đang xem xét giải quyết.

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, mới đây UBND tỉnh tổ chức hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 19 và Kết luận số 120. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nêu rõ việc giải quyết vi phạm về đất đai là chủ trương đúng đắn. Đồng chí yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê lại các trường hợp vi phạm đất đai theo từng thời điểm.

Từ đó khẩn trương khắc phục vi phạm đối với các trường hợp phát sinh sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 19, hoàn thành xong trước ngày 30/6. Các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, thành lập các tổ phản ứng nhanh theo cụm địa bàn liên xã nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm mới.

Các ngành liên quan của tỉnh kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong xử lý vi phạm về đất đai cho các địa phương. Tỉnh sẽ xem xét, quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND các huyện, TP phụ trách lĩnh vực này và Trưởng Phòng TN&MT nếu để vi phạm về đất đai tiếp tục phát sinh mới, không có biện pháp xử lý.

Cùng với biện pháp trên, thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ công tác của tỉnh đang phối hợp với các huyện kiểm tra, rà soát, hướng dẫn phương án xử lý đối với từng trường hợp còn lại, xem xét xin ý kiến UBND tỉnh xử lý đối với trường hợp khó.

Được biết, thời điểm này, các huyện Hiệp Hòa, Lục Ngạn, hai địa phương còn nhiều trường hợp vi phạm đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã để khẩn trương xử lý từng trường hợp. Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, đối với các hộ "chây ì", địa phương tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/386101/xu-ly-vi-pham-ve-dat-dai-sap-het-han-van-chua-xong.html