Phải có chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa phù hợp, không cào bằng

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chiều 18.6, các đại biểu Quốc hội Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang và Vĩnh Phúc) quan tâm cho ý kiến về vấn đề xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; kiểm kê di tích, di sản văn hóa…

Đầu tư khai thác, sử dụng, phát huy giá trị di sản văn hóa phải rất thận trọng

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải quan tâm đến quy định tại khoản 6 Điều 89 dự thảo luật về sử dụng và trích lập các nguồn thu từ phí, lệ phí. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm cho ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu thảo luận tại Tổ 5

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu thảo luận tại Tổ 5

Đề nghị cần rà soát, viết lại điều khoản này để phù hợp hơn với Luật Ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh việc các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể như quy định tại Điều 7, Luật Ngân sách Nhà nước không hoàn toàn gây khó cho thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nêu ví dụ thực tế từ di sản văn hóa thế giới Hội An, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội An triển khai thu phí tham quan từ năm 1995 và trong một thời gian dài áp dụng cơ chế phần kinh phí thu được này sau khi bù đắp chi phí xong thì sẽ đầu tư trở lại cho di tích. Tức là “lấy từ di tích sẽ để lại đầu tư cho di tích”. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, phần kinh phí này thu vào ngân sách không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Do vậy, tỉnh Quảng Nam đã quyết định không sử dụng nguồn thu này để cân đối lại cho Hội An. Phần cân đối cho Hội An được lấy từ nguồn khác và do HĐND tỉnh quyết định.

Tán thành với quan điểm khuyến khích mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc xã hội hóa trong khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa cần có biện pháp phù hợp với từng loại di tích.

"Những di sản văn hóa như Hội An, Sa Pa, phố cổ Hà Nội… là những di tích “sống”, có người dân sinh sống trong đó thì cần thực hiện xã hội hóa, Nhà nước đầu tư phần nào còn nên để người dân tham gia và hưởng lợi từ khai thác những di sản này. Nhưng với những di sản khác như kinh thành Huế, thánh địa Mỹ Sơn thì không thể thực hiện xã hội hóa", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Với những di sản như kinh thành Huế, thánh địa Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Nhà nước phải sử dụng các nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực ngoài nước để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản, đặc biệt là cần huy động được các chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu phương pháp đầu tư với những di sản rất đặc thù này vì có liên quan đến văn hóa, khảo cổ học...

“Đầu tư của Nhà nước vào các di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia có giá trị đặc biệt đều phải rất thận trọng, không thể thực hiện như dự án đầu tư công thông thường. Do đó, cần phân biệt theo loại hình di sản để có chính sách, cơ chế xã hội hóa phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cân nhắc quy định kiểm kê di tích hàng năm

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) cũng cho rằng, song song với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thì cần hoàn thiện quy định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ di sản.

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu

ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu

Theo đó, thay vì quy định rời rạc, lặp lại trong một số điều khoản về quyền, trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, đơn vị, đại biểu cho rằng, cần bổ sung một điều vào dự thảo luật để điều chỉnh về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó sẽ phân theo từng đối tượng từ cơ quan nhà nước trung ương, địa phương đến các cá nhân, tổ chức chủ sở hữu, cơ quan tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di sản văn hóa để quy định các biện pháp phù hợp.

Về kiểm kê di tích và di tích trong danh mục được kiểm kê, tại khoản 1, Điều 22 dự thảo luật quy định các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên được nhận diện đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 21 luật này phải được kiểm kê và đưa vào danh mục di tích được kiểm kê. Hoạt động kiểm kê di tích phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng năm.

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, cần xem xét, quy định lại việc kiểm kê thường xuyên hằng năm có thực sự cần thiết trong khi 5 năm mới đề xuất danh mục kiểm kê 1 lần không? Theo đại biểu, thời gian kiểm kê nên quy định 3 - 5 năm/lần là phù hợp với các địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định thành phần hồ sơ kiểm kê di tích để các địa phương có căn cứ thống nhất thực hiện. “Việc quy định thành phần hồ sơ kiểm kê di tích là rất quan trọng để có căn cứ, cơ sở đầy đủ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và quy hoạch lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các cấp”, đại biểu Sùng A Lềnh nói.

Tin và ảnh: Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phai-co-chinh-sach-thu-hut-nguon-luc-xa-hoi-hoa-phu-hop-khong-cao-bang-i376108/