Xử lý vướng mắc dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phải đảm bảo 3 nguyên tắc
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, việc xử lý vướng mắc của các dự án này phải đảm bảo các nguyên tắc về quy định pháp luật, giá và chi phí hợp lý...
Chiều 26/5 tại trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã có buổi gặp gỡ báo chí chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình sản xuất điện và tiến độ đàm phán giá mua điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng đủ quy định sẽ phát lên lưới điện
Tại buổi họp, đề cập đến vấn đề các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, số dự án năng lượng tái tạo đã có hợp đồng với EVN mà không kịp giá FIT có 85 dự án với công suất 4.736 MW. Trong đó có 77 dự án điện gió và 8 dự án điện mặt trời
Đến nay, sau rất nhiều lần đôn đốc, đã có 52/85 dự án với công suất 3.155 MW đã chuyển hồ sơ đến EVN để xem xét, hiện vẫn còn 33 dự án chưa gửi hồ sơ.
Đã có 39 dự án với công suất 2.363 MW đã đề xuất với EVN ký thỏa thuận giá tạm bằng 50% khung giá theo quy định của Nhà nước. Bộ Công Thương đã chỉ đạo đến ngày 26/5, EVN phải hoàn tất thủ tục thỏa thuận giá tạm thời để các nhà đầu tư làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, yêu cầu EVN bố trí đáp ứng nhu cầu thí nghiệm, thử nghiệm của các nhà máy để bảo đảm an toàn.
"Tuy nhiên, hiện đến thời điểm này mới chỉ có 5 dự án đã hoàn thành mọi thủ tục, hồ sơ để huy động với tổng công suất 303 MW", Thứ trưởng Đặng Hoàng An thông tin.
Ngoài ra, có 16 dự án đã nối lưới, đã và đang tiến hành thử nghiệm; 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/ một phần công trình; 17 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vướng mắc các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đảm bảo 3 nguyên tắc chính: Việc giải quyết phải đúng các quy định của pháp luật; Phải trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; Giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, nếu cao quá thì lợi ích của xã hội bị ảnh hưởng.
Bằng mọi cách phải đảm bảo điện trong mùa khô năm nay
Về tình hình cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ công Thương Đặng Hoàng An đánh giá, miền Bắc đang ở giai đoạn cuối mùa khô, nắng nóng gay gắt xảy ra, mực nước tại các hồ thủy điện xuống thấp, công suất tại các nhà máy thủy điện giảm. Do nước về các hồ thủy điện thấp, dòng chảy so với trung bình nhiều năm chỉ tương đương 20% trung bình nhiều năm, cá biệt có hồ còn thấp hơn.
Cũng theo Thứ trưởng, qua theo dõi của Bộ Công Thương, phụ tải 4 tháng đầu năm tăng tương đối nhẹ, tháng 5 theo kế hoạch sản lượng trung bình là 808 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 25/5, sản lượng điện trung bình ngày của cả nước lên đến 818 triệu kWh/ngày (tăng 8%) và phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5/2023 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.666 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn cũng gặp khó khăn, một số tổ máy công suất lớn đang phải sửa chữa kéo dài như tổ máy số 2 của Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổ máy S1 Nhà máy Vũng Áng 1 đang tiếp tục sửa, tổ máy S6 của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại rồi của Nhiệt điện Cẩm Phả,… với tổng công suất thiếu hụt lên tới gần 2.000MW.
Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn nêu trên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, sau rất nhiều giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ tập trung quyết liệt chỉ đạo, Bộ Công Thương, EVN và các đơn vị liên quan đã thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo nhất quán của Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm cung ứng điện. Tình hình cung ứng điện đã được cải thiện, đến thời điểm này việc thực hiện bảo đảm cung ứng điện được thực hiện tốt.
Giải pháp đầu tiên có thể kể đến là các đơn vị đã đảm bảo vận hành tin cậy của các nhà máy điện, trong đó Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã vận hành 1 tổ máy chạy đủ công suất, còn một tổ máy đang sửa bơm cấp và quạt khói nhánh B.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã đôn đốc các hợp đồng cung cấp than, trong trường hợp than chưa đủ, vay than của đơn vị khác, đơn cử như điều chuyển 200 nghìn tấn than của Nhiệt điện Phả Lại sang cho Nhiệt điện Hải Phòng… Các tổ máy chạy khí suy giảm được chuyển sang chạy dầu. Đây là giải pháp trong bối cảnh này mặc dù giải pháp này tương đối đắt tiền cũng như dự trữ dầu cho sản xuất trong trường hợp nhiên liệu thiếu.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng cường cung cấp khí cho khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, thời gian vừa rồi nguồn khí cung cấp đã tăng thêm từ 500 nghìn m3-1 triệu m3.
Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu EVN điều tiết các hồ chứa thủy điện, phối trộn nguồn than trong nước với than nhập khẩu cho sản xuất điện.
“Đặc biệt đẩy mạnh công tác tiết kiệm điện, nhiều tổ máy chúng ta phải huy động chạy dầu DO và FO mà không tiết kiệm thì rất lãng phí”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN khẩn trương thỏa thuận giá đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý để hòa lưới.
Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho thấy, mấy ngày gần đây, lưới điện quốc gia hấp thụ khoảng 100 triệu kWh năng lượng tái tạo tương đương 1/9 sản lượng điện của hệ thống, cá biệt ngày 25/5 sản lượng điện năng lượng tái tạo lên đến 106 triệu kWh/ngày. Con số như vậy là tương đối lớn, tuy nhiên vừa rồi sản lượng gió nhiều thời điểm xuống thấp, sản lượng chỉ đạt 5,6% tổng công suất lắp đặt.
Hiện Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc EVN hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án phải điều chỉnh chủ trương đều nằm ở các tỉnh, do vậy nếu có vướng mắc cần ý kiến của Bộ Công Thương, sau khi nhận được văn bản, Bộ sẽ chỉ đạo EVN sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đấu nối.