Xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Thời gian qua, hệ thống pháp luật đã được sửa đổi, xây dựng hoàn thiện hơn, góp phần vào việc phát triển KTXH cũng như công tác quản lý.
Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn tồn tại hoặc phát sinh những quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, tạo ra những rào cản, điểm nghẽn nhất định đối với sự phát triển.
Điều này thể hiện rõ qua báo cáo của Bộ Tư pháp tại cuộc họp lần thứ hai, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ đã nhận được báo cáo của 15 bộ, cơ quan ngang bộ, 55 địa phương, một số hiệp hội, doanh nghiệp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; 594 kiến nghị đối với 13 luật. Bộ Tư pháp và nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đã tổng hợp, phân loại các vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý tại 13 luật.
Nhưng phải thẳng thắn rằng, việc rà soát và xử lý văn bản sau rà soát vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như tại một số cơ quan chưa đầy đủ theo quy định, nhất là trong bối cảnh số lượng văn bản dưới luật còn lớn, do nhiều chủ thể ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Việc xử lý các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc chưa kịp thời, chưa triệt để, nhất là chưa kết nối giữa kết quả rà soát với hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, để việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực sự hiệu quả, điều quan trọng như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát, lấy thực tiễn làm thước đo. Cái gì đã chín, đã rõ, được chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa.
Việc tháo gỡ vướng mắc góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật phải trên tinh thần có kế thừa và phát triển, có điều chỉnh và bổ sung, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội, dễ làm trước, khó làm sau. Phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tạo đột phá, tháo gỡ khó khăn.
Khi rà soát, xử lý cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, công tâm, khách quan. Chú trọng thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với thiết kế công cụ để tăng cường thanh tra, kiểm tra; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, phải xác định rõ phạm vi, đối tượng là các vướng mắc mang tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển...
Việc rà soát những vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là bước đầu, là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Còn lại là trong quá trình xây dựng văn bản, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đánh giá thấu đáo, tổng thể những nội dung liên quan, phức tạp, mang tính liên ngành cũng như những vấn đề còn có quan điểm khác nhau hoặc các vấn đề về kinh tế, xã hội mới nảy sinh để đề xuất phương án xử lý phù hợp, thống nhất, đồng bộ.