Xứ Nghệ phát huy nội lực, chuyển mình mạnh mẽ

Cùng với những định hướng phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, được Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm giúp đỡ, Nghệ An đã và đang phát huy nội lực chuyển mình mạnh mẽ. Những thành tựu đó sẽ là tiền đề quan trọng để xứ Nghệ sớm hiện thực hóa 'khát vọng sông Lam' trong tầm nhìn đến năm 2025 trở thành tỉnh khá khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Chuyển mình từng ngày

Ngược miền Tây xứ Nghệ, trong tiết trời giá lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) - nơi duy nhất trên cả nước có đồng bào Ơ Đu sinh sống. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất này là sự bình yên với những con đường bê thông thoáng sạch sẽ, những nếp nhà nép mình dưới tán cây cối xanh tươi… Bà Vi Thị Dung nhớ lại: trước đây, người Ơ Ðu sinh sống dọc đôi bờ sông Nậm Nơn và Nậm Mô, rải rác ở các bản Kim Hòa, Kim Tiến (xã Kim Đa), bản Tả Xiêng (xã Kim Tiến), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng). Đến năm 2006, thực hiện chủ trương di dời dân, phục vụ Dự án Thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Ðu có cuộc di cư lịch sử, nhường quê cũ cho dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện để về sinh sống tập trung ở bản Văng Môn, xã Nga My… “Trải qua nhiều khó khăn, cùng với hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên, bà con đã từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống”, bà Dung chia sẻ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý và Đoàn công tác Bộ Công an về xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: T. Duy

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý và Đoàn công tác Bộ Công an về xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: T. Duy

Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế, Trưởng bản Lương Thị Lan cho biết: toàn bản hiện có 107 hộ, 455 khẩu, được sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con bản Văng Môn đã yên tâm lao động sản xuất và chung tay xây dựng bản làng ngày một khang trang.

Rời Tương Dương, chúng tôi về với bản Liên Đình (xã Chi Khê, huyện Con Cuông). Như nhiều địa phương khác của Nghệ An, trước đây nhắc đến Liên Đình nhiều người sẽ liên tưởng đến vùng đất xa xôi với vô vàn cách trở “chưa mưa đã thấm, chưa nắng đã khô’’, thì nay cuộc sống của bà con đang dần đổi thay, từ nếp nghĩ đến cách làm. Đại diện lãnh đạo UBND xã Chi Khê cho biết: với 100% dân số là dân tộc Thái, bà con Liên Đình từ bao đời nay một lòng theo Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau, tích cực lao động sản xuất.

Chia tay các bản làng của Tương Dương, Con Cuông, xuôi đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi về với xã miền núi, biên giới Thanh Thủy. Từ một vùng quê khó khăn của huyện Thanh Chương, với địa giới hành chính rộng, trình độ sản xuất, thâm canh, nhất là sản xuất hàng hóa của người dân còn hạn chế, Thanh Thủy đã có sự đổi thay rõ nét với những đồi keo, đồi chè, cây ăn quả; hệ thống giao thông thoáng, rộng… Dẫn chúng tôi đi thăm những mô hình gia trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, những nương chè trải dài ngút mắt của người dân, Trưởng thôn Ngọc Lâm Nguyễn Văn Dương cho biết: thôn có 231 hộ, 865 khẩu, với tổng diện tích tự nhiên 381,28ha, là một trong những thôn đi đầu phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, hiện có 35 - 40 hộ sản xuất giỏi, thu nhập từ 50 - 55 triệu đồng/năm.

Nói về những đổi thay của quê hương, cụ Phan Thị Vân (thôn Ngọc Lâm) bày tỏ: “Năm nay, xã phấn đấu về đích nông thôn mới, người dân ai cũng phấn khởi. Chỉ cần chủ trương đúng, hợp lòng dân, mọi việc đều thực hiện công khai, minh bạch và cán bộ, đảng viên luôn nêu gương trong các phong trào thì người dân ai cũng muốn đóng góp công sức cho sự phát triển của quê hương”…

Những ngày ở xứ Nghệ, chúng tôi cũng có dịp ghé thăm thị xã trẻ Hoàng Mai. Nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Thanh - Bắc Nghệ, sau hơn 10 năm thành lập, từ một nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông, ngư nghiệp, đến nay Hoàng Mai đã và đang từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh… Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Hữu An chia sẻ: năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã ước đạt 12,11%, quy mô kinh tế theo giá trị sản xuất ước đạt 24.268 tỷ đồng (tăng 12,15% so với cùng kỳ); thu nhập bình quân ước đạt 80,18 triệu/người/năm… “Đặc biệt, từ nền kinh tế chỉ dựa vào nông, ngư nghiệp, thị xã Hoàng Mai đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn làm nơi đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, thị xã có 50 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng...”, ông An cho biết.

Không chỉ Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương hay Hoàng Mai… về thành Vinh hôm nay, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất này; anh Nguyễn Văn Cầu (xã Hưng Đông) chia sẻ: với những nỗ lực của chính quyền, sự đồng lòng và chung sức của người dân, đến nay trên địa bàn đã có nhiều công trình được xây mới, nâng cấp và mở rộng quy mô; cảnh quan sạch đẹp, không gian trải dài hơn với nhiều khu đô thị mới.

Tăng cường liên kết các địa phương

Nghệ An hôm nay, sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo và hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30.7.2013 của Bộ Chính trị Khóa XI đã đổi thay mạnh mẽ. Vùng quê ấy đã và đang chuyển mình từng ngày với nỗ lực của mỗi người dân, tạo nên "gạch nối" sống động giữa quá khứ và hiện tại về một Nghệ An anh hùng, năng động, đầy tiềm lực.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết: những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã không ngừng nỗ lực, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Nhiều "điểm nghẽn" đã được nhận diện và khơi thông; những tiềm năng, lợi thế từng bước được phát huy… Đơn cử, năm 2023, kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá, ước đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước); thu ngân sách vượt dự toán được giao; thu hút đầu tư FDI đạt hơn 1,4 tỷ USD. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách; đặc biệt là mục tiêu cốt lõi “trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015 và tỉnh công nghiệp vào năm 2020” vẫn chưa trở thành hiện thực… Trăn trở với căn dặn của Bác Hồ: “Là tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng, rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc…”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết: thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; năng động, đổi mới, sáng tạo; quyết liệt, kịp thời, linh hoạt; có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm, nỗ lực, đạt hiệu quả cao nhất.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực… Đồng thời, sẽ huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện hiệu quả các công trình trọng điểm, như: xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò; Cảng hàng không Quốc tế Vinh, dự án điện khí Quỳnh Lập; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường bộ cao tốc phía Đông; đường ven biển, đại lộ Vinh - Cửa Lò; mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh…

Tỉnh cũng tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, nhất là các địa phương thuộc tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; kiên quyết, quyết liệt điều chuyển, xử lý cán bộ, công chức, viên chức làm việc trì trệ, có dư luận phản ánh nhũng nhiễu trong thực thi công vụ…

Năm 2023 khép lại, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được và bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tin rằng Nghệ An sẽ thực hiện thắng lợi các kế hoạch đề ra, mang luồng sinh khí mới để cụ thể hóa thêm con đường đưa Nghệ An phát triển, xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; xứng đáng với công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các thế hệ đi trước như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An".

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/xu-nghe-phat-huy-noi-luc-chuyen-minh-manh-me-i355939/