Xử nghiêm tài xế xe buýt vi phạm

Nhiều người cho rằng các tài xế, nhân viên xe buýt cần phải ứng xử lịch sử, văn minh và chuyên nghiệp hơn mới có thể giữ chân được hành khách.

Thời gian gần đây người dân TP.HCM không ít lần phản ánh về dịch vụ, cách hành xử thiếu văn minh của tài xế, tiếp viên xe buýt. Đặc biệt nhiều người dân vẫn ví von xe buýt như “hung thần đường phố” khiến họ phải tránh xa.

Hành xử sai luật

Chị Tống Thị Phương (quận Bình Thạnh) chia sẻ: Xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, có khi nhả khói bụi mù mịt. Sợ nhất cảnh xe buýt ra vào trạm, vượt đèn đỏ khiến nhiều người hoảng hồn.

“Tôi đã thấy nhiều lần xe buýt đang ở làn ô tô rồi phóng vù sang làn xe máy để trả khách. Nhiều lần thắng gấp khiến cả đám xe máy lao dúi dụi, suýt gây tai nạn. Đi đường nào cũng vậy, hễ thấy xe buýt là tôi tránh xa” - chị Phương than.

Cũng chẳng riêng gì tài xế, nhiều người dân cũng ngao ngán về cách ứng xử của tiếp viên xe buýt. Chị Đào Hồng Anh (quận 9) cho biết khi chị sử dụng vé tập để di chuyển thì tiếp viên xe buýt tỏ vẻ khó chịu, bực dọc.

“Họ nói “thời buổi nào còn dùng kiểu vé này nữa, cho con nít cũng không thèm”. Trong khi tôi phải mua vé tập từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Tài xế, nhân viên xe buýt phải ứng xử văn minh, lịch sự thì khách mới đi chứ tôi là tôi bái bai rồi đấy” - chị Hồng Anh kể.

Chị Nguyễn Hồng Đào (quận Bình Thạnh) cũng bức xúc: “Một lần tôi đang chụp ảnh trên đường Nguyễn Hữu Cảnh thì tài xế và tiếp viên xe buýt đi qua liền chửi rủa, đe dọa, thách thức tôi như thể tôi làm gì sai với họ vậy. Tôi không biết các đơn vị quản lý có hình thức chế tài nào không chứ thế này thì ai dám đi xe buýt nữa. Văn hóa hành xử của họ nghĩ mà nản”.

Trên thực tế, nhiều tài xế ứng xử thiếu văn minh cũng đã bị cơ quan chức năng chế tài nghiêm khắc. Điển hình mới đây tài xế xe buýt số 150 (tuyến Bến xe Chợ Lớn - Tân Vạn) đã bóp còi inh ỏi lúc đang dừng đèn đỏ tại đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1). Khi người đi đường nhắc nhở, tài xế liền mở cửa xe rồi phun nước bọt thách thức người đi đường. Tài xế này sau đó đã bị cơ quan chức năng đình chỉ công việc vĩnh viễn.

Ngoài ra, một tài xế xe buýt của HTX 19-5 cũng bị đình chỉ vì khi xảy ra xô xát với tài xế Grab, tài xế xe buýt lấy dao đâm thanh niên chạy Grab bị thương.

Nhiều người phản ánh văn hóa ứng xử của nhiều tài xế, tiếp viên xe buýt rất phản cảm. Ảnh cắt từ clip

Nhiều người phản ánh văn hóa ứng xử của nhiều tài xế, tiếp viên xe buýt rất phản cảm. Ảnh cắt từ clip

Không phải vì áp lực mà làm càn

Anh Dương Văn Đức, một tài xế xe buýt, cho biết lái xe buýt rất áp lực. Chỉ tính riêng việc chạy đúng giờ cũng là nỗi khổ của tài xế trong giai đoạn hiện nay. Xe buýt là phải chạy đúng tuyến, dừng đúng trạm và không được lấn làn. Song việc ra vào đúng trạm cũng gây nhiều bức xúc cho người dân bởi chỉ đi được một đoạn là tài xế phải tấp xe vào trạm.

Tuy nhiên theo anh Đức, cũng không vì lẽ đó mà tài xế được quyền cáu gắt, làm càn và xô xát với người đi đường, một phần là do tính tình của họ.

Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải Quyết Thắng, cho biết tài xế cũng có người này người kia, song tất cả tiếp viên và tài xế đều phải học nghiệp vụ và đạo đức nghề. Sau khi họ có chứng chỉ hành nghề thì HTX mới nhận việc. Tuy nhiên, trên thực tế việc học và thực hành là không giống nhau nên tài xế phải liên tục được đào tạo, trau dồi.

Về vấn đề trên, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết tài xế, tiếp viên muốn được nhận việc thì phải học văn hóa ứng xử với hành khách, người đi đường. Nội dung này được thực hiện theo chương trình khung tập huấn nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải do Tổng cục Đường bộ ban hành. Trong đó có tập huấn kỹ năng giao tiếp với hành khách, bảo vệ hành khách và tài sản của hành khách, cách ứng xử với một số trường hợp hành khách cá biệt...

Ngoài ra, thông qua hệ thống camera trang bị trên xe, trung tâm chủ động kiểm tra các hành vi sai phạm của nhân viên và tài xế xe buýt như thái độ thiếu văn minh, lịch sự với hành khách, người đi đường… nhằm kịp thời xử lý. Trong đó mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng đối với tài xế, nhân viên có hành vi thiếu văn minh, lịch sự. Mức phạt cao nhất là 3 triệu đồng đối với các hành vi nhân viên, tài xế hành hung hành khách, người đi đường.

Nhóm người chém, đập phá xe buýt

Mới đây một nhóm thanh niên mang theo mã tấu, tuýp sắt... chặn chém và đập phá một xe buýt ngay trước cổng Trung tâm thương mại Gigamall Thủ Đức.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết trước đó xe buýt số 8, thuộc HTX Vận tải Quyết Thắng chạy trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) thì xảy ra va chạm với một xe máy. Hai bên sau đó xảy ra cự cãi. Khi xe buýt này di chuyển đến đường Phạm Văn Đồng thì bị hai người đi xe máy nói trên ném đá và rời đi. Đến trưa 22-12 thì xuất hiện nhóm người chặn xe rồi xảy ra vụ việc trên.

Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải Quyết Thắng, cho hay HTX đã kiến nghị Công an quận Thủ Đức xử lý đúng người, đúng tội. Không cần biết giữa họ có ân oán gì nhưng những hành vi của nhóm này là cực kỳ nguy hiểm với xã hội. Hành vi này không chỉ phá hoại tài sản mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng những người đi xe buýt. Rất may trên xe buýt số 8 có ít người nên trong quá trình xảy ra xô xát đã giải cứu kịp thời những người trên xe.

Tài xế chuẩn bị tiền lẻ cho khách

Trong giới tài xế xe buýt cũng có không ít gương người tốt, việc tốt. Điển hình như anh Lê Quốc Huy, tài xế chạy tuyến xe số 54 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Chợ Lớn) luôn chuẩn bị 50.000 đồng tiền lẻ dự phòng cho những hành khách chẳng may bị móc túi hoặc không có tiền lẻ.

Theo anh Huy, không ít lần phải chứng kiến những vị khách khó khăn hoặc quên đem tiền lẻ, tiếp viên lại không có tiền thối. Từ đó anh quyết định sẽ trích mỗi ngày 50.000 đồng cho các trường hợp này.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/xu-nghiem-tai-xe-xe-buyt-vi-pham-879459.html