Xử phạt học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông

Bạn đọc hỏi: Hiện nay tình trạng học sinh cấp II, cấp III điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông khá phổ biến. Điều đáng nói là phụ huynh các em biết nhưng vẫn cho phép con em mình sử dụng phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Vậy hành vi của các em học sinh và của phụ huynh bị xử lý như thế nào? Hoàng Văn Phong (Cầu Giấy, Hà Nội)

Hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Ảnh minh họa)

Hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời:

Căn cứ theo Điều 60, Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên mới được phép điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.

Về việc xử phạt vi phạm hành chính:

- Đối với hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe bị xử phạt theo quy định tại Điều 21, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

“1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;

7. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;

- Đối với hành vi giao xe cho phép người chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện sẽ bị Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức theo khoản 5, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305- Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305- Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, các hành vi trên chỉ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp việc thực hiện các hành vi này gây ra hậu quả về người và tài sản theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù và Điều 264, Bộ luật Hình sự về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/xu-phat-hoc-sinh-chua-du-tuoi-dieu-khien-phuong-tien-giao-thong/842635.antd