Xử phạt nặng nếu sàn thương mại điện tử không cung cấp thông tin cho cơ quan thuế
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Phan Phương Nam - Phó trưởng Khoa Luật thương mại, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị định 91/2022/NĐ-CP có nhiều quy định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó quy định sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải cung cấp cho cơ quan thuế sẽ tạo điều kiện để quản lý thuế TMĐT một cách hiệu quả. Tuy nhiên, TS. Phan Phương Nam cũng cho rằng, cần có chế tài phạt nặng thì mới đủ sức răn đe và buộc sàn TMĐT cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Sàn thương mại điện tử sẽ phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế như thế nào? Sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay: Phương án tối ưu để tránh gian lận, trốn thuế Thu thuế thương mại điện tử: Quản lý, chống thất thu hiệu quả, số thu tăng cao
PV: Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành có khá nhiều điểm mới liên quan đến hạn nộp hồ sơ khai thuế, số thuế tạm nộp, việc trích lập các quỹ của DNNN... Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu, giảng dạy về luật, ông đánh giá như thế nào về nghị định này?
TS. Phan Phương Nam: Tôi đánh giá cao những sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 91/2022/NĐ-CP. Bởi những nội dung sửa đổi, bổ sung này theo đánh giá cá nhân tôi có một số điểm tích cực:
Một là, việc sửa đổi, bổ sung này cho thấy Nhà nước đã và đang nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi thuế và đã nỗ lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho người nộp thuế có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình với Nhà nước.
Hai là, việc sửa đổi, bổ sung của Nghị đinh 91/2022/NĐ-CP kỳ này mặc dù không quá nhiều, nhưng trải rộng nhiều nội dung và phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng như: Có những quy định nhằm đơn giản hơn thủ tục kê khai cho một số trường hợp liên quan về thuế thu nhập cá nhân (TNCN); có những quy định mang tính hợp lý hơn cho doanh nghiệp khi tạm kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giảm đi khả năng bị thu tiền chậm nộp thuế; tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm quản lý hiệu quả hoạt động kê khai nộp thuế của những chủ thể kinh doanh trên sản giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, cho thấy việc sửa đổi này đã và đang góp phần tích cực hơn cho hoạt động quản lý thuế và đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước của các thành phần kinh tế trong xã hội.
PV: Một nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm tại Nghị định 91 là quy định số thuế TNDN tạm nộp 4 quý không được thấp hơn 80% của năm (trước đây là tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75%). Quy định mới này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Ông có bình luận gì về quy định mới này?
TS. Phan Phương Nam: Theo điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải thực hiện tạm nộp thuế TNDN của 3 quý đầu năm tính thuế không thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp cả năm theo quyết toán thuế TNDN năm. Trong trường hợp tổng số đã tạm nộp của 3 quý đầu năm của doanh nghiệp thấp hơn 75% số thuế phải nộp của cả năm, thì doanh nghiệp bị tính tiền chậm nộp tính trên số thuế thấp hơn 75%.
Theo quy định này thì khi đến thời hạn tạm nộp thuế TNDN của quý 3, doanh nghiệp cần ước tính số thuế TNDN phải nộp của cả năm làm cơ sở để xác định số thuế tạm nộp của 3 quý đầu năm và thời hạn này thường là ngày 30/10 hằng năm. Điều này cho thấy sự thiếu hợp lý của quy định, bởi lẽ tính đến thời điểm đó thì còn đến 2 tháng nữa mới thật sự kết thúc năm tài chính. Do vậy, quy định này đã gây ít nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc sửa đổi nội dung này trong Nghị định 91/2022/NĐ-CP thành “Tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 4 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 4 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Khi đó, việc kê khai này diễn rà vào quý 4 là lúc doanh nghiệp về cơ bản đã xác định được con số lợi nhuận của năm, nên giúp cho doanh nghiệp kê khai và tạm nộp thuế TNDN chính xác và thuận lợi hơn rất nhiều.
PV: Ngoài quy định tạm nộp thuế TNDN 4 quý không thấp hơn 80%, theo ông, doanh nghiệp cần lưu ý những điểm mới nào trong Nghị định 91?
TS. Phan Phương Nam: Bên cạnh quy định tạm nộp thuế TNDN 4 quý không thấp hơn 80% của năm, doanh nghiệp cũng cần chú ý thêm điểm sau về hồ sơ khai thuế. Cụ thể, Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã bổ sung điểm 3 Khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về trường hợp người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong trường hợp sau: “Người khai thuế TNCN là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế TNCN theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN của đối tượng nhận thu nhập”.
Quy định này là một bước đáng ghi nhận về giảm thiểu thủ tục hành chính cho người nộp thuế. Bởi lẽ, quy định trước đây là chưa hợp lý khi luôn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế ngay cả khi doanh nghiệp không phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN của đối tượng nhận thu nhập.
PV: Cũng tại Nghị định 91 quy định chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần, hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Theo ông, quy đinh này đã đủ để bắt buộc các sàn TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế hay chưa?
TS. Phan Phương Nam: Trước đây, tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định khá chung chung mà không xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ TMĐT là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp nội dung, hình thức và tần suất cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế về những chủ thể kinh doanh trên mạng TMĐT của mình. Chính điều này làm cho cơ quan quản lý thuế thiếu các thông tin để điều tiết thuế chính xác đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT.
Chính vì vậy, Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã bổ sung khoản khoản 8 Điều 27 với nội dung quy định “Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần, hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế, hoặc số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn…”. Việc cung cấp thông tin này còn cần phải thực hiện theo tần suất được quy định.
Theo đánh giá của cá nhân tôi thì về cơ bản quy định này đã hỗ trợ cơ quan quản lý thuế các thông tin của các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT để việc điều tiết thuế là tương đối chính xác. Tuy nhiên, sự bổ sung của nội dung này cũng chưa đủ tính răn đe để các chủ thể này phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế. Bởi lẽ, đối chiếu với quy định của Điều 14 Nghị định 125/2020/NĐ-CP cho thấy, biện pháp xử lý vi phạm của hành vi này chưa đủ mang tính răn đe, làm các chủ sàn TMĐT lo lắng và phải cố gắng cung cấp thông tin theo quy định. Bởi lẽ, mức xử lý quá nhẹ và không có biện pháp bổ sung hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tăng nặng mức xử phạt mới đủ sức răn đe
"Tôi cho rằng pháp luật cần xem xét tăng nặng mức xử phạt, cũng như áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn như vi phạm bao nhiêu lần có thể xử lý thu hồi giấy phép hoạt động sàn giao dịch TMĐT. Có mạnh mẽ trong biện pháp xử lý thì các chủ sàn giao dịch TMĐT mới nghiêm túc hơn, chỉnh chu hơn trong hoạt động cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT. Lúc này, việc quản lý thuế của các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT mớ đúng nghĩa là chính xác, hiệu quả và đảm bảo sự công bằng" - TS. Phan Phương Nam nói.
Nhật Minh (thực hiện)