Xử phạt vi phạm hành chính cần nghiêm minh hơn
Có hiệu lực thi hành từ năm 2013, bên cạnh quy định các thủ tục xử phạt theo hướng đơn giản, có lợi cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp thì đến nay Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) bộc lộ nhiều hạn chế cần phải điều chỉnh, thay thế nhằm phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Hiện nay, Luật Xử lý VPHC có 1 pháp lệnh và 91 nghị định đang có hiệu lực nhằm thực thi các hành vi VPHC diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Giữa một “rừng” các văn bản, quy định, nhưng thực tế có nhiều hành vi vi phạm mang tính cá biệt mà các quy định của Luật Xử lý VPHC không thể bao quát hết. Điều này dẫn đến không thống nhất, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng khi đưa ra xử lý các vụ việc vi phạm.
* Vẫn còn nhiều bất cập
Trong xu thế phát triển hiện nay, tình hình VPHC diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phổ biến như: vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, giao thông, an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại... Ngoài nguyên nhân do ý thức của người dân còn hạn chế, một bộ phận bất chấp, sẵn sàng lợi dụng kẽ hở của luật để vụ lợi thì các quy định pháp luật về xử lý VPHC còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ.
Trong đó, phải kể đến quy định mức tiền xử phạt đã lạc hậu, không tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi vi phạm. Có những vi phạm nghiêm trọng, gây tổn hại đến môi trường, sức khỏe, danh dự của người dân nhưng chỉ dừng ở mức xử phạt VPHC với số tiền thấp khiến nhiều người sẵn sàng tái phạm.
Cụ thể như, một người thực hiện hành vi dâm ô chỉ bị phạt 200 ngàn đồng; một doanh nghiệp xả chất thải không qua xử lý ra môi trường bị xử phạt 30 triệu đồng/vụ cũng như nhiều vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông.
Trên thực tế, trong hầu hết các vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương tiện đều rất lớn, vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở. Do vậy, cách quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện bị giới hạn bởi thẩm quyền xử phạt tiền bộc lộ nhiều bất cập, phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên.
* Điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp thực tế
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV mới đây, nghị trường Quốc hội lại “nóng” khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC. Dự thảo này sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 2 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật Xử lý VPHC.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 của luật này như: giao thông đường bộ, kinh doanh bất động sản, thủy lợi; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như: đối ngoại, tín ngưỡng, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn thông tin mạng. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể một số nội dung liên quan đến việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc xác định VPHC; tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bổ sung quy định về việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra kiến nghị, cần tăng mức tiền phạt tối đa đối với 10 lĩnh vực, bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với 6 lĩnh vực gồm: giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản, điện lực, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn thông tin mạng, sở hữu trí tuệ… để tăng tính răn đe, ngăn ngừa sai phạm. Đối với một số vi phạm trong một số lĩnh vực gây hậu quả lớn cho xã hội, làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân, đến quốc phòng - an ninh cần nghiên cứu tăng mức phạt tối đa để tương xứng với tính chất, mức độ và yêu cầu quản lý trong các lĩnh vực này cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngoài việc tăng mức phạt lên cao, nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật cần bổ sung những hình thức xử phạt khác như: buộc lao động công ích, công khai lịch sử vi phạm, nếu tái phạm nhiều lần có thể căn cứ vào thực tế, hậu quả để xử lý hình sự. Đây được xem là những “liều thuốc” mạnh nhằm tránh tình trạng “nhờn” luật, lập lại trật tự trong xử lý VPHC.
Lệ Bình (TP.Biên Hòa)