Xử phạt vi phạm quy định của thừa phát lại trong lĩnh vực thi hành án dân sự

Cục trưởng Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Phan Văn Châu cho biết, hành vi vi phạm quy định của thừa phát lại trong lĩnh vực THADS được Nghị định 82/2020/NĐ-CP (Nghị định 82) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình, THADS; phá sản doanh nghiệp, HTX quy định như sau: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thông báo không đúng về thời hạn, hình thức của quyết định, giấy tờ, văn bản về THADS cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định (tại Khoản 1, Điều 65, Nghị định 82).

Khoản 2, Điều 65 Nghị định 82 cũng quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: không thực hiện xác minh hoặc xác minh điều kiện thi hành án không bảo đảm thời hạn theo quy định; xác minh điều kiện thi hành án không đầy đủ nội dung cần xác minh hoặc không đúng đối tượng, không đúng địa điểm theo quy định; biên bản xác minh điều kiện thi hành án lập không đúng quy định; vi phạm quy định về bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án; không thông báo các quyết định, giấy tờ, văn bản về THADS cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định.

Ngoài ra, tại Khoản 3, Điều 65, Nghị định 82 cũng quy định, phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: không cho đương sự thỏa thuận giá, thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá tài sản; thực hiện việc ký hợp đồng thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá không có chức năng thẩm định giá; không thông báo cho các đương sự về kết quả thẩm định giá trước khi ký hợp đồng đấu giá tài sản; không thực hiện đúng quy định về yêu cầu thẩm định giá lại tài sản của đương sự.

Bên cạnh đó, Khoản 4, Điều 65, Nghị định 82 nêu rõ, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: thanh toán tiền thi hành án không đúng thứ tự, chia tỷ lệ không đúng quy định; chi tiền mặt không đúng quy định đối với trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài khoản ngân hàng; thu tiền thi hành án nhưng nộp vào quỹ không đúng quy định; thanh toán tiền thi hành án không đúng đối tượng; không đúng thời hạn theo quy định; xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của thừa phát lại; cháu ruột mà thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

Tại Khoản 5, Điều 65, Nghị định 82 quy định phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: thu tiền thi hành án nhưng chưa nộp vào quỹ đúng quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng tiền thi hành án không đúng quy định.

Diễm Quỳnh (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202009/xu-phat-vi-pham-quy-dinh-cua-thua-phat-lai-trong-linh-vuc-thi-hanh-an-dan-su-3021877/