Xứ Thanh – tinh hoa miền di sản

Văn hóa - với vị thế và giá trị đã được khẳng định - là sự phản ánh của tầm cao và chiều sâu trí tuệ, tài hoa và sức sáng tạo của con người. Để rồi, khi 'soi' vào nền văn hóa - nhất là ở cái phần bản sắc của nó - có thể cho người ta một sự hình dung về 'diện mạo', 'đặc tính', 'cốt cách', 'tâm hồn' một vùng đất, một dân tộc.

Lễ hội Bà Triệu.

Văn hóa xứ Thanh là một “dòng riêng”, chảy từ mạch nguồn văn hóa dân tộc. Đây là sự khẳng định chắc chắn, khi xét dưới góc độ nào – theo thời gian, loại hình hay tính chất - Thanh Hóa đều xứng đáng trở thành một trong những “gương mặt đại diện” cho văn hóa dân tộc. Với hàng ngàn di sản vật thể và phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại, xếp hạng, bảo tồn, phát huy giá trị, Thanh Hóa được ví như “cái nôi di sản” của đất nước. Còn trên thang bậc xếp hạng, Thanh Hóa có di sản tầm vóc nhân loại và nhiều di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia. Nhìn trên toàn cảnh, văn hóa xứ Thanh là sự hòa quyện nhuần nhụy giữa nét trang nghiêm, mực thước, đậm chất cung đình – bác học với nét hồn hậu, bình dị - dân gian, nhưng không kém phần thanh nhã, hàm súc. Hai sắc thái tưởng chừng đối lập ấy, đã và đang dệt thành bức tranh văn hóa xứ Thanh đa sắc, đa thanh và giàu giá trị. Từ những góc nhìn này, ta có thể thấy được cái phần tinh hoa nhất của văn hóa xứ Thanh nối từ mạch nguồn quá khứ đến tương lai...

Nói đến dấu ấn cung đình trong văn hóa xứ Thanh là nói đến những công trình kiến trúc – nghệ thuật kỳ vĩ, bề thế. Trong đó, có những công trình phản ánh trình độ phát triển của quốc gia – dân tộc và mang đậm dấu ấn các vương triều phong kiến, ví như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ; cũng có những công trình gắn với tên tuổi, sự nghiệp lẫy lừng của các anh hùng dân tộc, ví như đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn... Và tựu chung, các di sản ấy đều là sự kết tinh của óc sáng tạo, bàn tay tài hoa, sự dụng tâm và khát vọng của con người. Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một minh chứng sống động cho điều đó. Lam Kinh nhìn từ trên cao - với tổ hợp kiến trúc nghệ thuật đa tầng – chẳng khác nào đôi cánh khổng tước đang chao mình trên cái nền mướt mát sắc xanh của rừng già. Được biết đến như là “kinh đô tưởng niệm nhà Lê”, song Lam Kinh không mang đến cảm giác choáng ngợp và xa cách; ngược lại, những Chính điện, Nghi môn, sân Rồng, cầu Bạch, Thái miếu... vốn đậm dấu ấn cung đình, lại vô cùng gần gũi, thân thuộc với người Việt Nam.

Về với di sản để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình tâm linh bề thế; để hòa mình vào thiên nhiên an yên, trong lành; để bày tỏ lòng ngưỡng vọng tiền nhân đã dày công đắp đổi, trao truyền di sản cho muôn đời con cháu. Về Lam Kinh, lắng lại để nghe tiếng thì thầm trong từng phiến đá trầm tích, từng đường vân thớ gỗ nơi lăng tẩm, đền đài, bia ký. Dường như, ẩn giấu bên trong vẻ trầm mặc, mỗi phiến đá, thớ gỗ cũng chính là độ sâu trầm tích của tư duy sáng tạo, của bề dày văn hóa dân tộc. Bởi thế mà, Lam Kinh là sự hòa quyện tuyệt vời giữa “cái được biểu hiện” bên trong là tinh thần hướng về cội nguồn tiên tổ, là khát vọng thái bình thịnh trị cho “non sông ngàn thuở vững âu vàng”; với “cái biểu hiện” bên ngoài là các công trình kiến trúc - nghệ thuật, mà ở đó, tiền nhân đã gửi gắm tất cả tài hoa, trí tuệ, tư duy độc đáo và giá trị nhân văn cao đẹp.

Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Nếu di sản vật thể là “chứng nhân” lịch sử về quá trình tranh đấu để dựng xây và phát triển của vùng đất; di sản phi vật thể lại ví như “sợi dây” gắn kết con người với quá khứ. Lễ hội – di sản văn hóa phi vật thể độc đáo và sống động bậc nhất - là một không gian văn hóa đậm hơi hướng cổ xưa, mà khi được đắm chìm vào đó, con người không chỉ được nuôi dưỡng ý thức về bản sắc, về sự kế tục và tôn trọng tính đa dạng văn hóa, mà còn khơi ngợi tinh thần và năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), là một trong những lễ hội lớn và có tầm ảnh hưởng bậc nhất của xứ Thanh.

Lễ hội có lịch sử ra đời và tồn tại hàng trăm năm này, vốn khởi phát từ đời sống lao động, sinh hoạt của cư dân ngư nghiệp. Dù phải đối mặt với vô vàn biến đổi của cuộc sống cũng như nhận thức, quan niệm của con người về nhân sinh, về thế giới; song, lễ hội Cầu Ngư vẫn luôn gắn bó máu thịt với cộng đồng sản sinh ra nó. Sức sống bền bỉ và mãnh liệt của lễ hội Cầu Ngư, có lẽ là bởi sinh hoạt văn hóa truyền thống này hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, khi hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tư tưởng tôn trọng và sống hài hòa với tự nhiên – nơi mà từ bao đời nay, con người vừa phải chống chọi, vừa phải nương tựa để tìm kế sinh tồn. Đồng thời, phản ánh một đạo lý sống rất phổ biến và tốt đẹp của dân tộc Việt là “Uống nước nhớ nguồn”.

Được ví là “cái nôi di sản”, lẽ dĩ nhiên, phần tinh hoa trong văn hóa xứ Thanh không chỉ được biểu hiện qua hai di sản Lam Kinh và lễ hội Cầu Ngư. Song, điều đáng nói hơn, mỗi một di sản văn hóa - dù là vật thể hay phi vật thể, dù được vinh danh ở thang bậc nào – thì cũng đều là thành quả kết tinh của máu và mồ hôi, của đánh đổi và hy sinh, từ biết mấy thế hệ người. Song, để các di sản ấy góp phần chung đúc nên cái “lõi bản sắc” hay “linh hồn” của một nền văn hóa, thì bản thân nó không chỉ cần vượt qua sự kiểm chứng gắt gao của thời gian; mà hơn hết, nó phải được cộng đồng gìn giữ, trân trọng, vun đắp và trao truyền. Để rồi, đến lượt nó, bản sắc văn hóa có khả năng tạo ra sức mạnh cố kết, duy trì và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, của quốc gia - dân tộc.

Có người đã khẳng định, trong văn hóa, mọi sự sáng tạo đích thực đều là món quà gửi đến tương lai. Cũng vì lẽ đó, kho tàng văn hóa mà hậu thế đang được thừa hưởng, chính là “nền tảng tinh thần” vô giá, được cha ông ta đắp đổi, trao truyền. Để rồi, trách nhiệm của hậu thế là kế thừa và biến “nền tảng tinh thần” trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững. Đồng thời, thôi thúc tinh thần đổi mới, sáng tạo, để phác họa thành công diện mạo nền văn hóa tiên tiến - đậm đà bản sắc, dựa trên bốn trụ cột cơ bản là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/xu-thanh--tinh-hoa-mien-di-san/131537.htm