Xu thế phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới
Ðẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Bước đi này không chỉ giúp các nước giải quyết bài toán nguồn cung năng lượng, mà còn góp phần quan trọng vào nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước Liên hiệp châu Âu (EU), song cũng tạo động lực thúc đẩy thế giới tăng tốc trên lộ trình phát triển năng lượng sạch. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (E.Ma-crông) mới đây thông báo, chính phủ Pháp sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Khẳng định năng lượng tái tạo là một trong hai trụ cột chính trong lĩnh vực năng lượng của Pháp từ nay đến năm 2050, Tổng thống Macron nhấn mạnh, việc mất 10 năm để xây dựng một nhà máy năng lượng tái tạo như hiện nay là quá lâu; Pháp cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu về điện, dự kiến tăng khoảng 40% vào năm 2050.
Cùng với Pháp, hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng công bố các dự án đầu tư cho năng lượng tái tạo. Mỹ vừa thông báo kế hoạch thúc đẩy các dự án điện gió ngoài khơi. Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 15 GW điện gió ngoài khơi, đủ để cung cấp điện cho hơn năm triệu hộ gia đình. Trước đó, trong Ðạo luật Giảm lạm phát (IRA) được ban hành hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ quyết định dành khoảng 370 tỷ USD để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.
Trong khuôn khổ Chương trình năng lượng tái tạo quốc gia, Saudi Arabia đã công bố năm dự án mới sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, trong đó có ba dự án năng lượng gió và hai dự án năng lượng mặt trời, với tổng công suất lên đến 3.300 MW. Việc triển khai năm dự án nêu trên là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo lên mức 50% trong cơ cấu năng lượng của Saudi Arabia vào năm 2030.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) nhấn mạnh, giá năng lượng trên thế giới liên tục lập các mức kỷ lục mới đã cho thấy nhu cầu cấp bách phải nhanh chóng triển khai các dự án năng lượng sạch. Theo bà Leyen, đầu tư dài hạn vào năng lượng tái tạo không chỉ giúp ổn định giá năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu khí hậu. Một nghiên cứu của Ðại học Oxford cho biết, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể giúp thế giới tiết kiệm khoản tài chính khổng lồ, lên tới 12 nghìn tỷ USD vào năm 2050, nhất là trong bối cảnh chi phí cho công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng giảm.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) Francesco La Camera (Ph.Ca-mê-ra) cho rằng, bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ra, ngành năng lượng tái tạo tiếp tục tạo ra nhiều việc làm. Theo báo cáo do IRENA và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố mới đây, năm 2021 ngành năng lượng tái tạo đã tạo ra 12,7 triệu việc làm, trong đó, khu vực châu Á được coi là điểm sáng.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol (Ph.Bi-rôn) khẳng định, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay có thể tạo ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng sạch được xem là xu thế tất yếu, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, ổn định giá năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, IEA kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục thúc đẩy cấp giấy phép và đề ra sáng kiến để nhanh chóng triển khai các dự án năng lượng tái tạo.