Xử trí sưng đỏ do cước tay chân
Bệnh cước tay chân cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng khi thời tiết lạnh ẩm thì các triệu chứng nặng nề hơn. Đây không phải là bệnh nguy hiểm nhưng gây viêm sưng, đau và ảnh hưởng thẩm mỹ cho người bệnh. Làm thế nào để giúp bệnh nhân tránh được những khó chịu do bệnh gây ra?
Bệnh cước tay chân có biểu hiện gì?
Bệnh cước tay chân xảy ra khi thời tiết lạnh ẩm, càng lạnh ẩm thì bệnh càng dễ phát. Bệnh cước tay chân xảy ra với tình trạng các mạch máu nhỏ của da bị viêm. Vị trí thường gặp ở trên các ngón tay và ngón chân. Một số trường hợp có thể gặp ở mũi, lòng bàn chân, bắp chân, đùi, mông.
Bệnh cước tay chân thường xuất hiện sau vài giờ tiếp xúc với không khí lạnh, với các biểu hiện như nốt sẩn, mảng da đỏ hoặc xanh tím, ngứa... ở những vị trí này luôn cảm giác nóng rát hoặc da khô dễ bị nứt nẻ, dẫn đến chảy máu, đau. Trong trường hợp bị nặng, ở vị trí sưng đau có thể phồng rộp, mụn mủ và loét da...

Cước tay chân thường xảy ra khi thời tiết lạnh ẩm...
Biểu hiện của cước tay chân có thể trở nên xấu hơn khi thay đổi nhiệt độ nóng lạnh đột ngột. Ví dụ như khi ở ngoài trời lạnh lâu, đột ngột làm nóng bàn tay, bàn chân lạnh quá nhanh bằng cách hơ tay chân ngay sát cạnh lò sưởi hoặc sử dụng ngay túi chườm nóng... sẽ khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
Bệnh có thể gặp ở mọi người, nhưng thường gặp nhiều ở trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ, người ít vận động.
Cách nào làm giảm sưng đỏ do cước tay chân?
Thông thường bệnh sẽ tự hết khi thời tiết ấm lên hoặc sau khoảng 1 đến 3 tuần. Tuy nhiên, trong thời gian này, người mắc sẽ thấy khó chịu, đau, ngứa, đi lại khó khăn, ảnh hưởng thẩm mỹ bởi các ngón tay sưng đỏ, nứt nẻ, bật máu... Hơn nữa, còn có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng, do đó cần phải điều trị.
Bệnh cước tay chân thường đáp ứng kém với các loại thuốc điều trị. Do đó, điều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng, một số trường hợp phải sử dụng thuốc giãn mạch. Để giảm bớt các tình trạng sưng, ngứa của bệnh có thể sử dụng kem bôi có corticoid trong vài ngày. Nếu có kèm theo nhiễm trùng, tùy tình trạng bệnh cần dùng kháng sinh dạng bôi tại chỗ hoặc thuốc đường uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc giãn mạch nifedipine làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên đây là thuốc hạ huyết áp, do đó chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Trong khi dùng thuốc cần lưu ý đến các tác dụng phụ có thể xảy ra như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nóng bừng, phù ngoại biên...
Ngoài việc dùng thuốc điều trị, để giảm tình trạng sưng đỏ bệnh nhân cần lưu ý:
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tay, chân.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hoặc quá nóng.
- Không gãi khi bị cước, nếu thấy ngứa, đau nhức cũng chỉ nên xoa nhẹ để tránh bong tróc, nhiễm trùng.
- Không làm ấm vùng da bị cước bằng massage vì sẽ làm tăng cảm giác ngứa rát ở da.
- Khi vết cước đã hồi phục, cần bôi kem dưỡng nhẹ, không mùi để giữ ẩm cho da.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức đề kháng.
- Vệ sinh da sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

Luôn giữ ấm cơ thể, đi tất chân, găng tay chất liệu cotton hoặc len để phòng ngừa cước tay chân.
- Tắm với với nước ấm, không tắm nước nóng hoặc lạnh.
- Ngâm tay, chân với nước ấm pha gừng và muối từ 5-10 phút để giúp lưu thông máu.
- Không ngồi quá gần nơi có nguồn nhiệt ấm để sưởi ấm.
Để phòng cước tay chân, nên lưu ý:
Giữ ấm tay chân bằng găng tay, tất cotton hoặc len; tránh để da hở dưới thời tiết lạnh và ẩm.
Tránh tay, chân tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa mạnh; đi găng tay cao su khi làm việc phải tiếp xúc với nước.
Nên mặc nhiều lớp quần áo mỏng ấm để giữ nhiệt tốt hơn mặc ít lớp áo dày.
Đi giày thoải mái, không đi giày chật.
Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày để thúc đẩy lưu thông máu...
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xu-tri-sung-do-do-cuoc-tay-chan-169250224104036413.htm