Xử vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam: VKS đề nghị cao nhất 18 năm tù

Theo VKS, hành vi buôn lậu hơn 6 tấn vàng gây tác hại xấu đến sự ổn định phát triển ngành vàng; ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong việc kinh doanh vàng.

Sáng 17-7, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử các bị cáo trong vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam.

Đại diện VKSND TP.HCM đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Ngọc Giàu cùng 17-18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) 15-16 năm tù, Nguyễn Thị Thúy Hằng 10-11 năm tù, Trần Thanh Thắng 12-13 năm tù; và 19 đồng phạm từ 5-14 năm tù về cùng tội buôn lậu.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; tịch thu tiền, vàng thu giữ trong quá trình khám xét liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo và số tiền các bị cáo nộp khắc phục hậu quả. Kê biên phong tỏa tài sản trong vụ án để đảm bảo việc thi hành án.

 Bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng trong đường dây buôn lậu vàng. Ảnh: SONG MAI

Bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng trong đường dây buôn lậu vàng. Ảnh: SONG MAI

Theo VKS, căn cứ hồ sơ vụ án và xét hỏi tại tòa có đủ căn cứ xác định cáo trạng của VKSND tối cao truy tố 24 bị cáo về tội buôn lậu là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Các bị cáo đều là người hiểu biết, nhận thức được hành vi pháp luật nhưng vì kiếm lời đã tham gia đường dây buôn lậu vàng với những nhiệm vụ, vai trò khác nhau và phân công cụ thể. Trong đó, số lượng vàng lớn với hơn 6 tấn trị giá hơn 8.000 tỉ đồng.

VKS khẳng định, việc buôn lậu vàng ngày càng phức tạp, hành vi của các bị cáo đã gây tác hại xấu đến sự ổn định phát triển ngành vàng; đồng thời ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong việc kinh doanh vàng.

Các bị cáo có nộp tiền khắc phục nhưng không đáng kể với hậu quả vụ án mà các bị cáo gây ra, nên cần xử lý nghiêm mới có có tác dụng cải tạo, răn đe. Bên cạnh đó, cũng cần phân hóa rõ vai trò của các bị cáo để có mức án phù hợp. Theo đó, nghiêm trị bị cáo vai trò chính, cầm đầu và giảm nhẹ thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả; thừa nhận hành vi phạm tội.

Theo đó, năm 2022, Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng và Nguyễn Thị Thúy Hằng liên hệ các đối tượng người Campuchia và Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sống tại cửa khẩu) để mang vàng lậu từ Campuchia về việt Nam bán cho các chủ cửa hàng vàng trong nước.

Đường dây thứ nhất, Phụng móc nối với Giàu vận chuyển vàng từ Campuchia về Việt Nam. Giàu đã cất giấu vàng trong ngăn bí mật dưới sàn xe ba gác. Khi chạy đến cửa khẩu Chàng Riệc sẽ khai lý do mua đá lạnh rồi đưa vàng qua biên giới.

Khi vàng đưa qua biên giới, Giàu chia nhỏ vàng và giao cho nhiều người để đưa tới cho Phụng. Từ ngày 3-8-2022 đến ngày 28-9-2022, Nguyễn Thị Minh Phụng buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi từ Campuchia về Việt Nam với tổng trị giá hơn 6.644 tỉ đồng.

 Các bị cáo trong vụ buôn lậu 6 tấn vàng tại phiên tòa. Ảnh: SONG MAI

Các bị cáo trong vụ buôn lậu 6 tấn vàng tại phiên tòa. Ảnh: SONG MAI

Sau khi mua vàng lậu, Phụng đã bán lại cho cho các bị cáo khác là chủ tiệm vàng cùng khách lẻ; còn lại 76 kg cơ quan điều tra phát hiện, khám xét tạm giữ.

Đường dây của Phụng thu lợi bất chính hơn 17,6 tỉ đồng. Trong đó, Phụng hưởng lợi hơn 2,4 tỉ đồng; nhóm của Nguyễn Thị Ngọc Giàu hưởng lợi hơn 13,8 tỉ đồng; các bị cáo còn lại hưởng lợi tùy theo công sức.

Đường dây thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng cùng Pich Hen (người Campuchia) mua vàng lậu và mang về Việt Nam. Phượng hưởng 100 USD/1kg vàng lậu và Pich Hen hưởng 200 USD/kg vàng lậu.

Từ ngày 16-7-2022 đến 28-9-2022, Phượng và Pich Hen đã mua vàng lậu từ Campuchia để bán lại cho Nguyễn Thị Thúy Hằng 1.320 kg vàng có trị giá 1.817 tỉ đồng. Phượng được hưởng lợi 132.000 USD, tương đương 3 tỉ đồng; các bị cáo còn lại được hưởng tiền tùy mức độ tham gia buôn lậu.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/xu-vu-buon-lau-hon-6-tan-vang-tu-campuchia-ve-viet-nam-vks-de-nghi-cao-nhat-18-nam-tu-post800956.html