Xuân ấm trên vùng bão lũ
Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm ngoái đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản ở một số tỉnh, thành phố miền trung. Sau hơn ba tháng tập trung khắc phục hậu quả, cuộc sống người dân những nơi mưa lũ đi qua dần ổn định. Không khí Tết Tân Sửu cũng đang bắt đầu rộn lên ở các bản, làng… hứa hẹn một mùa xuân đầm ấm, an vui.
Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm ngoái đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản ở một số tỉnh, thành phố miền trung. Sau hơn ba tháng tập trung khắc phục hậu quả, cuộc sống người dân những nơi mưa lũ đi qua dần ổn định. Không khí Tết Tân Sửu cũng đang bắt đầu rộn lên ở các bản, làng… hứa hẹn một mùa xuân đầm ấm, an vui.
Tết ấm ở Nam Trà My
Những ngày cuối năm, có dịp trở lại huyện miền núi cao Nam Trà My (địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra), chúng tôi cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây đang bắt đầu hồi sinh. Tuyến đường giao thông huyết mạch từ trung tâm huyện về các xã đã được sửa chữa, đi lại thuận lợi hơn. Màu xanh của các loại rau màu đã lan tỏa, phủ dần trên mảnh vườn, bãi bồi ven sông.
Ngày 28-10-2020: vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, khiến tám người của ba gia đình thiệt mạng.
Nhà ở của người dân bị hư hỏng đã được chính quyền địa phương và lực lượng quân đội phối hợp sửa chữa, dựng lại. Hàng chục hộ dân có nhà ở bị vùi lấp, ngã đổ hoàn toàn, lâu nay đang ở tạm trong những căn nhà tạm, nay đã được bố trí đất ở khu tái định cư (TĐC) và chuẩn bị dọn về nhà mới để đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Chủ tịch UBND xã Trà Vân Hồ Văn Huyện phấn khởi cho biết, sau một thời gian khảo sát tìm kiếm mặt bằng, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, tập kết vật liệu và nỗ lực thi công, đến ngày 5-2, Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam phối hợp UBND huyện Nam Trà My tổ chức lễ khánh thành và bàn giao bảy căn nhà mới cho bảy hộ dân bị mất nhà do sạt lở cuốn trôi ở Nóc Ông Sinh, thôn 1, xã Trà Vân. Những căn nhà này được thiết kế và xây dựng kiên cố theo kiểu nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, với kinh phí xây dựng mỗi nhà 220 triệu đồng.
Vui hơn nữa, tại xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) trong lúc chính quyền địa phương đang loay hoay tìm nguồn lực để giúp người dân vùng bão lũ dựng lại nhà ở, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Lý Châu Giang hỗ trợ nguồn vốn gần hai tỷ đồng để xây nhà cho đồng bào Bh’noong ở thôn Trà Văn A bị thiệt hại nặng nề sau đợt bão lũ gây ra.
Chủ tịch UBND xã Phước Kim Hồ Văn Tròn bộc bạch, với sự hỗ trợ tích cực của Công ty TNHH Thương mại và du lịch Lý Châu Giang, sau hơn hai tháng thi công, mới đây, địa phương đã tiếp nhận và bàn giao 17 căn nhà mới xây cho 17 hộ gia đình có nhà cửa bị cuốn trôi hoàn toàn ở thôn Trà Văn A.
Hôm dọn về nhà mới, nhìn thấy căn nhà rộng chừng 50m2, có đầy đủ các tiện nghi, chị Hồ Thị Vơi (thôn Trà Văn A) không giấu được niềm vui và cảm động. “Đợt bão lũ cách đây ba tháng đã làm ngôi nhà của gia đình tôi bị cuốn trôi hết, giờ được hỗ trợ một cái nhà như thế này, tôi rất vui. Nhờ có Nhà nước và đơn vị tài trợ mà năm nay, gia đình tôi và bà con ở đây có được nhà mới để đón Tết, vui xuân”, chị Vơi bộc bạch.
Ngày 28-10-2020, vụ sạt lở đất kinh hoàng tại làng ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, làm 15 ngôi nhà bị vùi lấp, 55 người dân bị chết, bị thương và mất tích.
Qua công tác tìm kiếm cứu nạn, 33 người may mắn được cứu sống. Chín người chết, 13 người mất tích chưa tìm được…
Còn tại xã Trà Leng, trong những ngày này, chính quyền địa phương đang đốc thúc đơn vị thi công khẩn trương xây dựng để kịp bàn giao nhà ở cho người dân bị thiệt hại nặng về người và nhà ở do sạt lở đất vào cuối tháng 10.
Chủ tịch UBND xã Trà Leng Phan Quốc Cường cho biết, trong hơn ba tháng qua, ngoài việc tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, huyện Nam Trà My tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân làm lại nhà ở nhằm sớm ổ định cuộc sống. Sau khi khảo sát, bồi thường, giải tỏa mặt bằng, vào giữa tháng 12-2020, UBND huyện Nam Trà My đã chọn khu đất tại thôn 2, xã Trà Dơn (vùng giáp ranh giữa xã: Trà Dơn và Trà Leng) cách trụ sở UBND xã Trà Leng khoảng 800 mét làm khu tái định cư (TĐC).
Với khu đất khoảng sáu héc-ta này, được phân thành 80 lô (mỗi lô 200m2) để bố trí cho 80 hộ dân của xã Trà Leng bị mất nhà cửa trong đợt bão lũ vừa qua. Trước mắt, huyện tiến hành làm nhà cho hơn 50 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng, với kinh phí 150 triệu đồng/mỗi căn nhà từ nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh và các đơn vị hỗ trợ.
Dù trong tháng qua, ở khu vực miền núi có mưa nhỏ và rét lạnh, nhưng anh em thợ xây đã vượt qua giá rét, nỗ lực hoàn thành các hạng mục cuối cùng để người dân sớm có chỗ ở ổn định. Đến Tết, khoảng 20 căn nhà tại khu TĐC này được xây dựng hoàn thành để bàn giao cho người dân vùng bị sạt lở đất ở làng Ông Đề và khu vực lân cận của xã Trà Leng.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, cùng với xây dựng nhà ở, huyện Nam Trà My đang tiếp tục đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như: Điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông… để nhân dân sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ. Đến nay, huyện đã chuyển 160 tấn gạo cho 10 xã để cung cấp cho người dân ăn Tết và dự trữ cho những tháng giáp hạt. Với nguồn lương thực này, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, bà con ở vùng bão lũ Nam Trà My sẽ không còn cảnh đói rét, thiếu ăn và sẽ một cái tết an vui, đầm ấm hơn.
Bước chân lên ngôi nhà mới được bàn giao, ông Hồ Văn Đề (86 tuổi, ở thôn 1, xã Trà Leng) chia sẻ, trận sạt lở đất kinh hoàng ấy, gia đình ông có nhiều người thân gặp nạn; ngôi nhà cùng nhiều tài sản bị vùi lấp, cuốn trôi. Hơn ba tháng qua, gia đình ông được bố trí ở trong căn nhà tạm và được hỗ trợ lương thực đầy đủ. Giờ có ngôi nhà mới, ông rất mừng bởi chính quyền và các nhà tài trợ đã giúp gia đình ông cùng bà con trong làng có được nhà mới, để đón một cái Tết, vui xuân…
Người dân vùng thiên tai Quảng Trị đón tết ý nghĩa
Vườn hoa du lịch ở xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị chính thức mở cửa đón du khách từ sáng ngày 24 tháng Chạp tết Tân Sửu 2021 trong niềm vui hân hoan của người dân trên vùng quê vừa đi qua thiên tai bão lũ hồi cuối tháng 10-2020.
Khắp các đường thôn, ngõ xóm của vùng quê cách mạng xã Gio An đỏ rực cờ Tổ quốc. Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song cho biết, người dân xã Gio An, nơi chiến khu xưa cách mạng, Tết năm nay nhận được 17 nguồn hỗ trợ tết với tổng số tiền hơn 186 triệu đồng. Với số tiền này, UBND xã đã phân chia một cách minh bạch để làm quà thăm các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo…để ai cũng có thêm một phần quà nhỏ vui Tết, đón Xuân.
Xã Gio An có hơn 1.000 hộ dân với sáu thôn. Đợt lũ vừa qua, người dân Gio An xứng danh là những người hùng, chính họ là những người đầu tiên với sáng kiến nấu cơm mang đến chia sẻ cho đồng bào ở vùng đồng bằng đang bị lũ lụt bao vây bốn phía. Khi lũ rút, thiệt hại ở xã Gio An nặng nề hơn rất nhiều các xã đồng bằng. Do mưa lớn gây lũ đã làm các mạch ngầm trong đất dâng lên, khiến hơn 20 ha hồ tiêu của người dân bị ngập úng, chết rụi. Mất mát, thiệt hại rất lớn với những người sống bằng nông nghiệp, vì hồ tiêu là cây lâu năm, cần thời gian đến 5 năm mới phục hồi trở lại.
Người dân Gio An quyết tâm sớm khôi phục sản xuất sau lũ để ổn định cuộc sống. Những ruộng lúa cũng được gieo cấy xong, ruộng rau xà lách xoong bị đá vùi lấp cũng được dọn sạch sẽ để kịp trồng lại loại rau này. Dẫu đang khó khăn, nhưng người dân vùng chiến khu xưa cách mạng đang chuẩn bị đón một cái Tết ấm áp, nghĩa tình.
Ở vùng đồng bằng Quảng Trị, đến khoảng 25 tháng Chạp, người dân cũng đã gieo cấy xong lúa và lạc để chuẩn bị đón Tết Tân Sửu. Chị Trần Thị Lý ở thôn Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, đang tranh thủ thời gian để làm bánh hộc, một loại đặc sản không thể thiếu mỗi năm Tết đến ở vùng quê này. Đây là loại bánh truyền thống có vị ngọt của đường, thơm bùi của vị gạo nếp đồng làng, lại vừa thơm mùi gừng, mùi lạc. Chiếc bánh được tạo hình từ chiếc khuôn như cái hộc bàn, nên người làng Mai Xá Chánh gọi thứ bánh này là bánh hộc.
Chị Lý tự hào hương đất của làng được thiên nhiên bạn tặng nên đã tạo ra hạt nếp, hạt lạc và củ gừng ngon hơn, chất lượng hơn. Vì thế, bánh hộc của làng cũng luôn là đặc sản nổi tiếng. Mùa làm bánh hộc rất ngắn, chỉ diễn ra 10 ngày trước Tết. Làm bánh hộc là nghề truyền thống của dân làng luôn được các thế hệ con cháu nối tiếp giữ gìn như một đặc ân của trời đất được cha ông dày công làm ra để dâng lên ân đức tổ tiên trong những ngày Tết.
Ngược lên các xã miền núi của Quảng Trị không khí đón Tết cổ truyền cũng tràn ngập. Hướng Việt là xã bị lũ quét gây tang thương nhất tỉnh Quảng Trị nay màu xanh trở lại ngút ngàn. Những ô ruộng chưa bị đất đá vùi lấp hoặc bị vùi lấp nhẹ đã được cày lên gieo lúa, trồng hoa màu vụ đông xuân để có thu hoạch khi thời gian giáp hạt. Ngoài việc khôi phục sản xuất trở lại, cuộc sống của người dân vùng thiên tai miền núi cũng đã dần ổn định.
Chị Hồ Thị Vưn ở thôn Ka Tiêng vừa được các cấp vận động kinh phí dựng mới cho ngôi nhà sàn, trị giá gần 60 triệu đồng. Trước đó nhà chị Vưn bị lũ quét gây hư hỏng nặng. Xã Hướng Việt có chín ngôi nhà bị lũ quét làm sập và 16 nhà bị hư hỏng nặng, đến nay tất cả đều được các tổ chức, đoàn thể huy động xây dựng mới cho người dân có sinh sống.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, khi lũ lụt lịch sử xảy ra, tỉnh đã thực hiện kịp thời công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra và chủ động khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Với sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, chia sẻ của các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp; cùng với sự ổn định về chính trị, xã hội được tiếp tục giữ vững là điều kiện, động lực để tỉnh Quảng Trị từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và đạt được những kết quả khả quan.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, nhất là vào thời điểm cận kề Tết cổ truyền, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị các lực lượng, các địa phương trên địa bàn tiếp tục nỗ lực ngăn chặn hiệu quả người nhập cảnh trái phép; nâng cao công tác kiểm soát, giám sát về y tế phòng dịch; tăng cường công tác tuyên truyền giúp nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ, địa phương quyết tâm chăm lo cho người dân nói chung và những gia đình ở vùng thiên tai nói riêng có được một cái Tết ấm áp. Đi qua những vùng bị ảnh hưởng thiên tai ở Quảng Trị mới thấy được sức sống đang hồi sinh mỗi ngày. Gần 23 nghìn ha lúa đông xuân, hàng chục nghìn ha lạc, ngô, đậu vừa được gieo đã cho màu xanh thẳm trên những cánh đồng.
Chung tay vì người dân vùng lũ
Ước tính, đợt mưa lũ lịch sử tại miền trung từ giữa tháng 9 đến tháng 11 năm 2020 đã gây thiệt khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Đây là thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố vào cuối tháng 11 năm ngoái.
Con số thiệt hại về người trong đợt “lũ chồng lũ, bão chồng bão” này cũng thật xót xa. 249 người đã chết và mất tích, trong đó có 192 người chết, 57 người mất tích.
Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa bão miền trung đã huy động mọi nguồn tài lực và vật lực của Nhà nước và xã hội.
Trước hết, chỉ tính tới ngày 25-11-2020, Chính phủ đã xuất cấp 15.804 tấn gạo cho người dân. Chính phủ cũng ban hành ngay Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 5-11-2020 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10-2020. Cụ thể, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; tối đa 10 triệu đồng/hộ đối với nhà bị hư hỏng nặng. 11 địa phương miền trung và Tây Nguyên được nhận hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, 430 cơ số thuốc, 13,9 triệu viên hóa chất lọc nước; 23 tấn hạt giống ngô và 15,8 tấn hạt giống rau; 76 triệu giống tôm và hơn 1 triệu con gà giống cùng thức ăn, hóa chất khử trùng, vaccine đã được dành để hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ kéo dài này.
Số liệu chưa đầy đủ cho thấy, Chính phủ đã dành khoảng 1.250 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ miền trung
Bên cạnh đó là sự đóng góp đáng kể của cộng đồng trong việc chung tay hỗ trợ người dân miền trung vượt qua bão lũ.
Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật với giá trị hơn 318,9 tỷ đồng.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ hơn 237 tỷ đồng. Số tiền và hàng vận động và ủng hộ trực tiếp cho các tỉnh bị bão lũ ở miền trung cũng lên tới hơn 157 tỷ đồng. Nhiều địa phương, tổ chức chính trị xã hội, các cá nhân trực tiếp hỗ trợ người dân vùng lũ.
Nhiều tổ chức quốc tế, một số quốc gia hỗ trợ tiền và hàng hóa thiết yếu, với tổng trị giá hơn 21,53 triệu USD, tương đương 500 tỷ đồng.
Để mọi người dân vùng lũ có một Tết Tân Sửu ấm áp, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhiều tổ chức, đoàn thể cũng chủ động chăm lo Tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách, nhất là những người gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ.
Cùng với nguồn hỗ trợ, quan tâm của Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã vận động hơn 2,2 triệu suất quà, trị giá hàng nghìn tỷ đồng, tặng các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều người dân bị ảnh hưởng của bão lũ ở miền trung.
Những việc làm ý nghĩa này chính là nỗ lực để người dân vùng lũ thực sự “không bị bỏ lại phía sau”, đón một cái Tết an lành trong mùa xuân mới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/xuan-am-tren-vung-bao-lu-635260/