Xuân bên chốt gác của những người lính giữ rừng Quân khu 9
Với nhiều người, ăn Tết, đón Xuân là dịp để sum họp, vui vẻ bên cạnh người thân, gia đình. Thế nhưng, với những người lính giữ rừng Sư đoàn 4 (Quân khu 9), Tết đối với họ luôn mang những nét riêng do đặc thù của nhiệm vụ. Chuyện họ đón Xuân bên chốt gác để ngày đêm tuần tra, bảo vệ màu xanh của những cánh rừng là chuyện thường ngày.
Những người “khai hoang mở cõi”
Saukhi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia trở về, Sư đoàn 4 được giao nhiệm vụ đứng chân ở 2 huyện Hòn Đất và Giang Thành thuộc tỉnh Kiên Giang. Việc đầu tiên những người lính Sư đoàn 4 bắt tay vào làm là đào kênh xả phèn, phân vùng khai hoang đất đai nhằm tạo thành một vành đai biên giới để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái…
Từ 1991 đến nay đã 3 lần Sư đoàn 4 thay đổi nhiệm vụ chính trị. Từ Sư đoàn đủ quân sang đơn vị khung thường trực (KTT); rồi lại đổi tên là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng; sau đó lại đổi tên là Sư đoàn KTT có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu động viên quân dự bị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 9 khi cần thiết.
Cho dù cho có thay tên thế nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng, giữ vững được lòng tin yêu của các cấp, phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng.
Như câu chuyện cổ tích, chỉ trong một thời gian ngắn, những người lính Sư đoàn 4 đã biến cái “không thể thành có thể” như: Lộ giao thông, kênh rạch, ruộng đồng xanh tốt, tạo ra tiềm năng và đặt nền móng ban đầu cho một vùng đất hoang hóa trở thành một vùng đất trù phú như hôm nay.
An toàn cho "lá phổi xanh"
Xé toang không gian tĩnh lặng của rừng tràm, chiếc vỏ lãi của Trung úy Trương Vũ Phương, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 rướn mình trên các con kênh đã gần cạn nước đưa chúng tôi đến thăm các chốt giữ rừng ở Trung đoàn 2.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Trung úy Trương Vũ Phương không được sum họp với gia đình trong đêm giao thừa. Khi các gia đình quây quần mừng đón khoảnh khắc đặc biệt của năm mới, thì anh Phương và các đồng đội lại lặng lẽ trong rừng vắng, xung quanh chỉ có tiếng xào xạc của lá rừng. Được biết, Tiểu đoàn 1 chỉ có 4 cán bộ, chiến sĩ nhưng phải đảm nhiệm hàng trăm ha rừng tràm. Tết là cao điểm của nắng hạn, do vậy với chàng sĩ quan trẻ này nếu không có mặt ở đơn vị một giờ là hết sức nguy hiểm.
Còn với Binh nhất Đoàn Ngọc Quý, Xuân Giáp Thìn 2024 là năm đón cái Tết đầu tiên xa nhà. “Vì công việc chung, vì nhiệm vụ thiêng liêng nên chúng tôi phải tạm quên đi cảm xúc cá nhân. Đón Tết xa nhà ai chẳng thấy nhớ nhung, nhưng ở đây lại có sự sẻ chia của thủ trưởng các cấp, đồng chí, đồng đội nên chúng tôi thấy ấm lòng hơn”, Binh nhất Đoàn Ngọc Quý chia sẻ.
Trong “hội trường” của Tiểu đoàn 1, gọi là “hội trường” nhưng thực ra đó chỉ là một gian nhà cấp 4, mái và vách được dựng bằng tôn hoặc cây tràm. Ngày Tết của những người lính giữ rừng cũng có bàn thờ Tổ quốc, có bánh chưng, bánh tét. mâm ngũ quả. Bàn thờ Tổ quốc thì tự tay cán bộ, chiến sĩ làm, còn bánh chưng, bánh tét thì được bà con tặng…
Thiếu táCao Văn Sáng Em, Chính trị viên Tiểu đoàn 1cho biết: “Những năm trước, cứ gần Tết là bộ đội rất lo, vì thời điểm này là nắng gắt, người dân hay vào rừng lấy mật ong nên rất dễ gây cháy. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ý thức của người dân bây giờ đã tốt hơn nhiều. Cứ gần đến Tết Nguyên đán, các đoàn thể, tổ chức, chỉ huy đơn vị, nhân dân cùng vào các chốt thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết chúng tôi. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đơn vị cũng chuẩn bị chu đáo và tổ chức cho bộ đội đón Tết đầm ấm, vui vẻ. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị cũng trích một phần từ tăng gia sản xuất để tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ”.
Theo chia sẻ của Đại tá Bùi Văn Minh, Chính ủy Sư đoàn 4, đơn vị hiện đang chăm sóc, quản lý hàng nghìn ha đất rừng, chủ yếu là rừng tràm trồng theo Dự án 661 và rừng tái sinh. Hằng năm, mùa khô nắng nóng bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến đầu tháng 7, mực nước trên các kênh rạch xuống thấp, nhất là tại các khu rừng phòng hộ, nguy cơ xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào.
“Do vậy, với phương châm “phòng là chính”, ngay từ đầu mùa khô, Sư đoàn đã xây dựng các kế hoạch trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng; tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Những năm qua, đơn vị còn đầu tư máy bơm công suất lớn, phương tiện chữa cháy cơ động như thuyền bơm, máy phao bơm, bình cứu hỏa CO2; tăng cường lực lượng và phương tiện cho các chốt giữ rừng; duy trì luyện tập các phương án phòng, chống cháy rừng; tổ chức tuần tra, canh gác, cắm biển báo, biển cấm ở từng khu vực; nạo vét kênh, phân lô, phân khoảnh, đốt ven nhằm tạo khoảng cách an toàn giữa rừng tràm và khu vực sản xuất đất nông nghiệp của nhân dân… Nhờ sự chủ động đó, nhiều năm qua không còn xảy ra tình trạng lấn chiếm, chặt phá, địa bàn đơn vị quản lý không để xảy ra vụ cháy rừng nào”, Đại tá Bùi Văn Minh bật mí.
Những người lính giữ rừng thời gian qua đã đổ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, tiến công vào mặt trận mới bằng tình yêu mãnh liệt, đem lại sự trong lành cho thiên nhiên, bảo vệ an toàn cho "lá phổi xanh" và sự bình yên cho người dân trên tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc thân yêu.
Bài, ảnh: QUANG ĐỨC - HỒNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.