Xuân Long, vùng đất lửa một thời

Xuân Long là miền đất được nhiều người biết đến của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất này gắn liền với câu chuyện của lịch sử và những tên gọi được cả nhân loại nhớ đến như sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17 với nỗi đau chia cắt hai miền Nam Bắc. Từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ, hy sinh mất mát, người dân Xuân Long một lòng đi theo cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhân dân Xuân Long đã đồng lòng, đồng sức để xây dựng hương thôn ngày thêm đổi mới.

 Sông Bến Hải đoạn qua thôn Xuân Long -Ảnh: VIỆT HÀ

Sông Bến Hải đoạn qua thôn Xuân Long -Ảnh: VIỆT HÀ

Xuân Long là một trong 6 thôn thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Nằm cách Quốc lộ 1 và cây cầu Hiền Lương lịch sử về phía Đông chừng 2 km, Xuân Long được bao bọc, ấp ôm bởi sông Cánh Hòm và sông Bến Hải ngày đêm miệt mài đưa nước về tưới tắm cho ruộng đồng, cho tôm cá đầy ghe. Chính nơi đây là vùng đất một thời hào hùng vang danh trong chiến trận và nay đã hồi sinh lớn mạnh không ngừng.

Theo sách Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An và Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì Xuân Long là một trong những làng cổ hình thành đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, tức là vào khoảng thời gian từ 1075-1553 trong cuộc Nam tiến lần thứ nhất từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong. Làng có tên sơ khởi là Xuân Lôi, qua bao lần vật đổi sao dời, tách chia địa bộ, đến nay Xuân Long thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh.

Theo lời ông Hoàng Đình Kinh, hào lão trong làng: “Xa xưa hàng trăm năm trước, vùng đất này thấp trũng, lũ lụt quanh năm. Các bậc tiền nhân khai canh khai khẩn sáng lập hương hiệu ra làng đã không quản nắng mưa, cùng nhau biến vùng đất thiên tai địch họa trở nên đơm bông kết trái. Cùng với sự khởi sắc của đất và người trong tiến trình lịch sử, nhiều họ tộc khác trước sau đến nhập làng cùng chung lưng đấu cật dựng xây nên một hương thôn xinh đẹp như ngày hôm nay”.

Trong suốt những năm tháng chia cắt hai miền Bắc - Nam, cán bộ và Nhân dân Xuân Long ngày đêm tăng gia sản xuất và chiến đấu bám đất giữ làng. Bên kia sông là Vĩnh Linh - nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dòng sông Bến Hải hôm nay thanh bình êm đềm chảy về xuôi với những con đò ngủ ngon sau khi cùng người dân miệt mài quăng lưới. Nhưng năm xưa nơi đây là đạn bom khói lửa, là những chuyến đò chở nặng quân lương vượt sóng băng dòng hướng về tiền tuyến. Và cũng không ít lần dòng sông này lại thổn thức lặng thầm đưa những thương binh, tử sĩ trở về. Ngày đó, đối diện bên phía Bắc của Trung Hải là bến đò C lịch sử, phía bên này những người dân quân du kích bám trụ trên mảnh đất quê hương đã tiếp nhận, chỉ lối đưa các đoàn quân vào trận tuyến.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ trước và sau Mậu Thân 1968 cho đến ngày quê hương Gio Linh hoàn toàn giải phóng vào ngày 2/4/1972, mảnh đất này là nơi chứng kiến sự chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Xuân Long. Để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai đã biến nơi đây thành một vành đai trắng với đủ thứ vũ khí tối tân và hành động bạo tàn. Một trong những nữ du kích gan dạ lúc bấy giờ là bà Hoàng Thị Chẩm, quê ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải. Lúc ấy bà còn rất trẻ nhưng đã tham gia nhiều cuộc chống càn tại địa phương và vây lấn căn cứ Dốc Miếu. Bà được 9 lần phong tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ-ngụy, trong đó có 7 lần được phong tặng dũng sĩ bắn tỉa, 2 lần dũng sĩ diệt xe cơ giới và máy bay.

Trong những ký ức về một thời đạn bom, bà nhớ từng câu chuyện như mới vừa xảy ra hôm qua khi cùng anh em du kích giáp mặt với quân địch với đầy đủ vũ khí hiện đại, xe tăng, máy bay. “Một trong những chiến công của tôi cùng với đồng đội đó là dùng các khẩu đội 12 ly 7 tiêu diệt bộ binh và bắn máy bay địch. Trước đây địch thường xuyên đưa máy bay ra vây bắn, đánh phá dọc theo bờ Nam sông Bến Hải nhưng sau khi chịu nhiều thiệt hại, chúng chủ yếu dùng pháo từ Cồn Tiên, Dốc Miếu và ngoài hạm đội để bắn phá”, bà Chẩm kể lại. Trong nghĩa trang của thôn Xuân Long có nhiều người con ưu tú của quê hương đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ luôn là tấm gương liệt oanh cho các thế hệ mai sau ngưỡng vọng.

Về Xuân Long hôm nay, bên cạnh những chuyện xưa tích cũ không phai mờ theo thời gian là hình ảnh tươi mới của một làng quê với sự đổi thay của câu chuyện tam nông đúng nghĩa. Những cánh đồng rộng lớn được quy hoạch một cách khoa học, thuận tiện cho việc sản xuất canh tác nông nghiệp. Những con đường bê tông rộng rãi được trang trí bằng vườn hoa tươi thắm đi đến tận ngõ của các ngôi nhà. Thấp thoáng sau bóng mát cây xanh là mái ngói của những ngôi nhà được xây dựng khang trang, vững chãi. Trong vườn nhà, các loại rau màu xanh mướt mát làm dịu đi cái nắng nóng của đất miền Trung.

Ông Bùi Ngọc Quốc, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Long cho biết: “Bên cạnh việc phát triển kinh tế thì đội ngũ cán bộ xã luôn quan tâm đến việc xây dựng thiết chế văn hóa lành mạnh, bền vững. Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư và phát triển. Xuân Long tự hào là một làng được UBND tỉnh công nhận 2 lần đơn vị văn hóa vào năm 1999 và 2005. Công tác khuyến học khuyến tài luôn được các dòng họ chú trọng qua bao đời nay. Đã có những người con làng Xuân Long thành danh, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Những người già luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo học tập, tu dưỡng đạo đức”.

Tự hào với truyền thống yêu nước nồng nàn được lưu truyền qua bao thế hệ, làng Xuân Long đã miệt mài thêu hoa dệt gấm những câu chuyện lịch sử dân tộc, để cho hôm nay và mai sau, hậu thế được biết đến: Nơi đây có một làng quê Xuân Long như thế.

Việt Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166799&title=xuan-long-vung-dat-lua-mot-thoi