Xuân Nha chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Lựa chọn được giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, cùng với sự năng động, tích cực của nông dân, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ đang từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Vùng chuyên canh trồng cây ăn quả của bản Nà An, xã Xuân Nha

Để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác nguồn lực lao động, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Xác định rõ hướng phát triển kinh tế trên địa bàn, gồm: Tăng diện tích trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc nhằm chống xói mòn và biến đổi khí hậu; chọn một số cây trồng, vật nuôi hiệu quả để xây dựng mô hình, nhân rộng cho người dân.

Bản Thín là một trong những bản đi đầu trong chuyển đổi cây trồng ở địa phương, với mô hình đang được triển khai, gồm: Mô hình nông lâm kết hợp trồng xoài, vải xen cỏ và dứa; mô hình ủ phân từ chất thải đại gia súc nuôi nhốt; ủ thức ăn chăn nuôi cho bò; trồng bồ kết và gai xanh. Hiện, bản cũng thành lập HTX Nông nghiệp xanh Trường An với 16 hộ thành viên, trồng 30,5 ha xoài xen cỏ voi, 14,5 ha nhãn, 5,5 ha táo, 2,2 ha vải xen cỏ, 2 ha mô hình cây bồ kết, xoài, dứa…

Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Nông nghiệp xanh Trường An Xuân Nha

Ông Mùi Văn Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trường An Xuân Nha, cho biết: Trong mô hình nông lâm nghiệp kết hợp của bản, mô hình trồng xoài, vải trồng xen cỏ voi sẽ cung cấp cỏ tươi phục vụ chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, dứa là cây sẽ đem lại nguồn phụ thu, giúp ổn định thu nhập cho các gia đình trong giai đoạn xoài, vải chưa cho thu hoạch. Các hộ còn thực hiện ủ cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc theo hình thức nuôi nhốt trong mùa đông; phân thải từ chăn nuôi sẽ được ủ cùng phụ phẩm nông nghiệp để bón lại cho xoài, vải và các cây trồng khác. Mô hình giúp tận dụng tối đa các sản phẩm và chất thải, giảm chi phí đầu tư đặc biệt là phân bón cho cây trồng, đồng thời giúp kiểm soát nguồn phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Mô hình cây lâm nghiệp bồ kết được trồng tại các khu vực cao, giáp rừng để tạo vùng đệm giữa khu vực sản xuất nông nghiệp với rừng, đồng thời hạn chế tối đa việc xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất và đá, ảnh hưởng tới diện tích nông nghiệp ở vùng thấp hơn.

Mô hình trồng dứa xen cây ăn quả của một hộ dân bản Thín, xã Xuân Nha.

Mô hình trồng dứa xen cây ăn quả của một hộ dân bản Thín, xã Xuân Nha.

Bằng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình 30a, 135, dự án hỗ trợ của tỉnh, xã Xuân Nha đã đẩy mạnh hỗ trợ, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các cây cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đầu tư sản xuất, nhân rộng. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã là 316 ha với các loại cây trồng chủ yếu là cam, dứa, nhãn; tổng diện tích cây gai xanh đạt 40,61, trong đó trồng mới năm 2022 là 16,92 ha. Vận động và hướng dẫn các hộ dân nhân rộng mô hình nuôi nhốt đàn gia súc và kết hợp trồng cỏ; nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn trâu hiện có là 427 con; đàn bò 2.848 con, đàn ngựa 99 con; đàn dê 129 con; đàn lợn 1.856 con; đàn gia cầm 25.459 con. Tận dụng các ao, hồ để phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích ao cá đạt 17,4 ha.

Bên cạnh đó, xã cũng quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển sản xuất, như: Triển khai giải phóng hành lang giao thông tuyến đường từ xã Tân Xuân qua địa phận bản Nà Hiềng và bản Tưn, xã Xuân Nha; giải quyết vướng mắc các hộ dân có ruộng, ao nằm trong dự án chăn nuôi và trồng cây ăn quả của HTX nông nghiệp Hải Dương; giải phóng mặt bằng làm đường nhựa đi khu sản xuất bản Nà An...

Mô hình trồng cây gai xanh của các hộ dân bản Chiềng Nưa, xã Xuân Nha

Mô hình trồng cây gai xanh của các hộ dân bản Chiềng Nưa, xã Xuân Nha

Bà Đinh Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha, cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp thu nhập của người dân tăng rõ rệt. Các hộ trồng cây ăn quả đã giảm 90% lượng thuốc diệt cỏ đang dùng nhờ áp dụng các biện pháp nông lâm kết hợp. Lượng phân bón hóa học cũng giảm do được thay thế bằng phân từ chăn nuôi trâu bò. Ở các bản cũng thành lập các Tổ nhóm sản xuất để chủ động kế hoạch phát triển sản xuất, chăn nuôi của bản phù hợp với điều thực tế ở địa phương. Thời gian tới, UBND xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện; thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất; tập trung các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất…

Xã Xuân Nha đang tiếp tục thực hiện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2020-2025” với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xuan-nha-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-54475