Xuân no ấm ở bản Mông
Khi những cành hoa đào khoe sắc thắm là mùa Xuân đã gõ cửa nhà người Mông. Những ngày cận Tết Nguyên đán 2022, đồng bào Mông ở huyện Yên Sơn bắt đầu thu xếp công việc để nông cụ lao động được 'nghỉ ngơi', dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới với những hứng khởi mới. Năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, đời sống mặc dù còn khó khăn song đối với người Mông nơi đây vẫn tràn ngập niềm vui bởi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế tiếp tục có bước chuyển mình...
Con đường ý Đảng, lòng Dân
Tết năm nay, đồng bào Mông thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện đón nhận 1 món quà lớn. Đó là 6 tuyến đường bê tông vào các nhóm hộ dài 1,7 km, trị giá trên 420 triệu đồng vừa hoàn thành. Gần cả 1 đời gắn bó với mảnh đất Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện, 30 năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, ông Lù Seo Páo chỉ tay về tuyến đường mới, miệng cười rạng rỡ bảo “Lâu rồi, bản Mông mình mới đông vui, tấp nập như vậy. Giờ người Mông mình có thêm những con đường đẹp đẽ rồi. Năm mới 2022 này, chắc chắc đời sống sẽ no ấm hơn nữa. Chúng tôi chẳng biết nói gì ngoài 2 tiếng “cảm ơn” Đảng, Nhà nước, cán bộ Đoàn thanh niên cả!
Ngòi Nghìn có 76 hộ dân, trong đó, đa phần là người Mông. Đồng bào Mông Ngòi Nghìn sinh sống không tập trung, dân cư phân bố không đồng đều. Trước đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, thôn đã có 1 con đường liên thôn. Tuy nhiên, đường dẫn vào các nhóm hộ chưa có, việc đi lại, giao thương hàng hóa khó khăn. Thực hiện giao việc đột phá, đổi mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo, giao việc Huyện đoàn Yên Sơn huy động nguồn lực làm đường cho đồng bào Mông. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 21-12, tuyến đường bắt đầu khởi công. Vượt đường xa, công việc cuối năm bận rộn, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ Đoàn trên toàn địa bàn Yên Sơn luân phiên “cùng ăn, cùng ở, cùng làm đường” với người Mông Ngòi Nghìn trong 2 tuần liên tiếp. Những ngày làm đường, mặc dù còn khó khăn, đồng bào Mông bớt cái ăn, sẻ chia cho cán bộ Đoàn cả trăm kg nhu yếu phẩm, thực phẩm. Cán bộ Đoàn và đồng nào Mông đã chung sức, đóng góp trên 400 ngày công để hoàn thành tuyến đường.
Nhìn chị em người Mông Ngòi Nghìn xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, nói cười trong xuân mới, lòng người thấy ấm áp lạ thường. Cuộc sống dẫu còn khó khăn nhưng có đường mới, có sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người Mông nơi đây tin tưởng vào một mùa xuân mới đủ đầy, hạnh phúc.
Phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc dân tộc
Người Mông ở Yên Sơn sinh sống chủ yếu ở xã Kiến Thiết. Toàn xã có hơn 400 hộ dân tộc Mông, với trên 2.000 nhân khẩu, sinh sống ở 10/17 thôn trên địa bàn xã. Những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Mông nơi đây đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Từ chỗ chỉ biết độc canh cây ngô, bà con đã chuyển sang trồng rừng, trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gà, trâu sinh sản... Đời sống của bà con đã từng bước “thay da đổi thịt”.
Chúng tôi được Trưởng thôn Lò Thị Phương dẫn đến thăm ngôi nhà xây 3 tầng to nhất thôn Làng Un của hội viên CCB Vàng Seo Tính. Chỉ tay về ngôi nhà, người Cựu binh hơn 70 tuổi bày tỏ, năm nay là năm thứ hai, gia đình ông đón Tết trong ngôi nhà mới. Ngôi nhà hoàn thành có trị giá trên 1,3 tỷ đồng nhờ cây cam Vinh. Trước đây trồng cây ngô, cây gừng không đủ ăn, đói nghèo triền miên. Sau nghe lời cán bộ, ông là hộ đầu tiên của thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa cây cam Vinh về thôn. Trên diện tích 4 ha đất sản xuất, gia đình ông chuyển đổi trồng mấy trăm gốc cam Vinh, trồng bưởi và trồng rừng, cuộc sống đi lên từ đó. Năm 2020, gia đình thu được 400 triệu đồng từ cây cam. Năm nay dịch Covid-19, nguồn thu giảm 50% nhưng như thế vẫn hạnh phúc lắm rồi. Xuân này vẫn ấm cái bụng.
Chị Lò Thị Phương, Trưởng thôn Làng Un cho biết thêm, thôn Làng Un có trên 92 hộ dân, người Mông chiếm 80% dân số. Trong đó, người Mông theo Đạo tin lành chiếm khoảng 80%. Đồng bào luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và vươn lên phát triển kinh tế. Nhiều hộ người Mông làm kinh tế giỏi như Giàng Seo Sình, Vàng Quang Phòng, Vàng Seo Dũng có thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Đời sống khá hơn, nhưng người Mông vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Anh Vàng Seo Dũng, người dân Làng Un cho biết, giờ người Mông không ăn Tết sớm và kéo dài cả tháng như xưa nữa mà ăn Tết theo người Tày, người Kinh trong xã cho đoàn kết và tiết kiệm. Tết ở bản Mông, Làng Un chỉ bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày 5 tháng Giêng. Ngày mùng 6, người Mông bắt đầu sản xuất cho năm mới. Những thủ tục cúng, lễ rườm rà như trước cũng được cải tiến, tục uống rượu say cũng đã được loại bỏ...
Người Mông giữ tục đụng lợn, từ khoảng 25 tháng Chạp là từng nhà trong thôn thay nhau mổ lợn nuôi trong năm chia nhau ăn để thêm vui vầy. Bếp của người Mông luôn đỏ lửa trong ngày Tết. Đặc biệt, lễ cúng Giao thừa trong đêm 30 không thể thiếu con lợn sống hoặc con gà sống.
Cuộc sống đã đổi thay, đồng bào Mông ở Kiến Thiết đã không còn phải ăn mèn mén trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng món ăn làm từ ngô vẫn là thứ ẩm thực có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của bà con. Mỗi dịp Xuân về đồng bào lại cùng nhau làm chung một mẻ bánh Láo Khoải (mèn mén) to để nhớ nguồn cội.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Bởi vậy, các bà, các mẹ tự tay thêu thùa, trang trí cho mình hay tặng cho con gái mình bộ trang phục sặc sỡ. Em Thào Thị Nhung, 20 tuổi, thôn Làng Un khoác trên mình bộ trang phục sặc sỡ, cười bảo, em rất yêu bộ trang phục của dân tộc mình và tự hào khoác bộ trang phục ấy. Em chuẩn bị 5 bộ áo, váy truyền thống để mặc dịp Tết này. Trong đó, có 1 bộ được thêu tay, còn lại em mua ở chợ phiên. Em cũng lựa chọn những trang sức đi kèm cho phù hợp để có thể vừa đi chơi Tết vừa có thể đánh pao, đánh yến...
“Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi; nhớ ơn Đảng đưa tới; ta từ nay ấm no...” - tiếng hát réo rắt lưng đồi nơi người Mông ở Yên Sơn đang lao động, thu hoạch ngô, cam, chuối, bưởi... báo hiệu một mùa Xuân ấm no đang về