Xuân Phong phát triển thương mại dịch vụ
Để người dân phát huy năng lực làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, trong điều kiện là xã thuần nông, nghề đan cói truyền thống bị mai một, thời gian qua, Ðảng ủy, UBND xã Xuân Phong (Xuân Trường) định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa; thương mại hóa sản phẩm làng nghề tạo thêm thu nhập, việc làm cho nhân dân. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, giá trị thương mại dịch vụ đã chiếm gần 40% cơ cấu kinh tế của xã. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 ước đạt 45 triệu đồng, cao hơn kế hoạch đề ra.
Ðảng ủy, UBND xã đã xây dựng Ðề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đa dạng hóa nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường và tập trung phát triển ngành nghề phụ gắn với thương mại hóa sản phẩm làng nghề, xã đã tập trung thực hiện tốt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất, tạo vùng chuyển đổi phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ðồng thời huy động mọi nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, bê tông hóa đường giao thông thôn xóm và hệ thống thủy lợi nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu điều tiết nước phục vụ sản xuất đa cây, đa mùa vụ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của xã đã có bước chuyển biến vượt bậc với các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, canh tác cải tiến theo mô hình SRI. Hiện tại, xã có 1 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn cánh đồng lớn với diện tích 50ha và 3 vùng có diện tích 10-30ha. Trong đó, có 10ha liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên). Cơ cấu giống lúa của Xuân Phong lựa chọn gieo trồng chủ yếu là những giống có chất lượng gạo ngon, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường như Bắc thơm 7, Dự hương, Nếp 97. Năng suất 2 vụ lúa những năm gần đây thường đạt trên 120 tạ/ha. Năm 2019, sản lượng lúa cả năm đạt trên 4.200 tấn, bằng 157% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi được tổ chức sản xuất theo hình thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường nên mặc dù thời gian qua, chăn nuôi lợn có nhiều biến động về bệnh dịch, giá cả, nhiều hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh phải phá đàn, nhưng sản lượng thịt lợn hơi của xã bán ra thị trường vẫn đạt 752 tấn, cao hơn so với kế hoạch là 7,42%. Xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và một số doanh nghiệp tổ chức dạy các nghề: mộc mỹ nghệ, thêu ren, dệt len, may công nghiệp theo các chương trình khuyến công, Ðề án 1956… cho hàng trăm lao động. Ðồng thời tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng, hỗ trợ người dân vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đến nay ngoài sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã đã phát triển đa dạng ngành nghề như: sản xuất cơ khí, xây dựng dân dụng, chế biến gỗ, chế biến nông sản, may công nghiệp, đan cói, làm men…, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Ðặc biệt nghề đan cói truyền thống từng bị mai một do phải cạnh tranh với sản phẩm làm từ nhựa đã được người dân làng Thọ Vực khôi phục lại từ 3 năm nay. Nắm bắt cơ hội thế giới cảnh báo nguy cơ ô nhiễm từ sản phẩm nhựa… các sản phẩm gia dụng từ nhựa không còn được ưa chuộng mà sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên được lựa chọn trở lại, người dân Xuân Phong tập trung thực hiện các biện pháp khôi phục làng nghề. UBND xã định hướng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai và các bà, các chị có kinh nghiệm đan cói từ những năm trước là nòng cốt trong việc truyền dạy nghề đan cói. Cứ thế nghề đan cói đã được phục dựng trở lại với trên 300 lao động làm nghề có mức luân chuyển tiền công trung bình 2 tỷ đồng mỗi tháng. Ðiều đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy mạnh tổ chức dịch vụ thương mại của người dân địa phương là đã gây dựng được các cơ sở đầu mối cung ứng nguyên liệu cói và thu mua sản phẩm cho các hộ dân. Cách làm này đã giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề đan cói sôi động hơn.
Ðịnh hướng phát triển ngành nghề nông thôn và tổ chức tốt các dịch vụ là điểm mấu chốt giúp đời sống kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao; cơ cấu kinh tế của xã Xuân Phong đã chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phi nông nghiệp. Từ kinh nghiệm đó, Ðảng ủy, UBND xã Xuân Phong xác định tiếp tục khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh doanh, tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, nhất là tiêu thụ nông sản và sản phẩm làng nghề. Ðồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình, các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương