Xuân sớm nơi tiền đồn Tổ quốc

Sau ba hồi còi liên tục, vang vọng khắp không gian, chiếc tàu mang số hiệu 390, Vùng 3 Hải quân ầm ầm rung chuyển, uy dũng rời quân cảng Đà Nẵng, đưa đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân; đoàn khối dân chính Đảng khu vực miền Trung và các nhà tài trợ lên đường đi thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết quân và dân hai huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Vui Tết trên hòn đảo anh hùng

Chiếc tàu 390, Vùng 3 Hải quân rẽ sóng ra khơi dưới làn mưa lất phất, trong tiết trời cuối năm se lạnh. Lần đầu ra với hòn đảo tiền tiêu, một số phóng viên trẻ không khỏi mong ngóng, ánh mắt đổ dồn ra biển cả mênh mông, rôm rả chuyện trò...

Cây quất được được Bộ đội Vùng 3 Hải quân mang theo tặng quân và dân đảo Cồn Cỏ.

Cây quất được được Bộ đội Vùng 3 Hải quân mang theo tặng quân và dân đảo Cồn Cỏ.

Trước ngày lên đường, chẳng ai bảo ai, mọi người đều lỉnh kỉnh các loại máy quay phim, máy ảnh, máy tính, thẻ nhớ, pin dự phòng... Nữ nhà báo Yên Khương, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam mang theo chiếc ổ cứng dung lượng 1.000 GB mà vẫn chưa thật yên tâm: “Không biết có dùng đủ không, vì nghe nói Cồn Cỏ, Lý Sơn không những là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, mà cảnh sắc thiên nhiên nơi đây cũng hút hồn du khách”.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 540, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân trang trí cành đào ngày Tết.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 540, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân trang trí cành đào ngày Tết.

Chứng kiến sự háo hức của các bạn trẻ, Đại tá Nguyễn Quốc Quảng, Phó tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Trưởng đoàn công tác thấy trong lòng lâng lâng khó tả. Ngót 40 năm gắn bó khắp các vùng biển, đảo quê hương và những con tàu, quanh năm làm bạn với những con sóng, trừ hai năm xảy ra đại dịch Covid-19, còn lại gần như năm nào, anh cũng có mặt trong đoàn công tác của Vùng 3 Hải quân ra chúc Tết, tặng quà quân và dân trên hai hòn đảo tiền tiêu, vậy mà mỗi lần xuất bến, trong anh vẫn vẹn nguyên niềm xúc động. Anh bảo, việc ra với quân và dân trên đảo vào dịp Tết đến, xuân về là một hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, góp phần khơi dậy tình cảm, nhận thức, trách nhiệm của các tỉnh, thành, cơ quan, ban ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; khẳng định sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia trên biển.

Sau một đêm trên tàu, khi ánh bình minh bắt đầu ló rạng, nhiều người đoàn công tác cùng trầm trồ khi chứng kiến Cồn Cỏ hiện ra như một bức tranh thủy mặc giữa lòng biển biếc. Ngay ở cầu cảng, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở hàng lên đảo. Bên sườn núi những bông mai rừng bung nở, khoe sắc lung linh. Sức sống mùa xuân ùa về trên khắp hòn đảo tiền tiêu.

Vẻ đẹp của đảo Cồn Cỏ nhìn từ trên cao.

Vẻ đẹp của đảo Cồn Cỏ nhìn từ trên cao.

 Đoàn công tác Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân trao quà Tết tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ.

Đoàn công tác Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân trao quà Tết tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ.

Tham quan một vòng quanh hòn đảo nhỏ, chúng tôi thấy nhà cửa của người dân, các công trình phúc lợi, như: Trường mầm non, trung tâm y tế, công viên, khu vui chơi giải trí được xây dựng khá khang trang. Chị Nguyễn Thị Hương Lài, ở xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng chồng là anh Đào Minh Quân, ở thôn 9, xã Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị) tình nguyện ra đảo sinh sống, lập nghiệp 6 năm nay. Chị Lài buôn bán nhỏ, chồng chị đánh bắt hải sản, thu nhập của gia đình khá ổn định.

Chỉ về phía rặng hoa giấy đang khoe sắc trước Trường Mầm non Hoa Phong Ba, chị Lài phấn khởi nói: “Trên đảo bây giờ chẳng thiếu thứ gì, điện lưới được dùng 24/24. Hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân trên đảo. Vui nhất là dịp Tết đến xuân về, hòn đảo trở thành một đại gia đình, cấp ủy, chính quyền, quân và dân cùng nhau sum vầy, gói bánh chưng, mổ lợn, sôi nổi tham gia các trò chơi ngày Tết...”.

Cô và trò Trường Mầm non Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ.

Cô và trò Trường Mầm non Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ.

Chưa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng các gia đình trên đảo Cồn Cỏ đã sắm sửa khá đầy đủ các lễ vật, đồ ăn, thức uống. Chủ yếu là đặc sản biển, như cá mú, cá bớp, tôm hùm; cùng với lợn, gà được nuôi trên đảo... Đến thăm gia đình chị Trịnh Thị Quyệt, Phó ban điều hành khu dân cư thanh niên xung phong huyện đảo Cồn Cỏ, người có hơn 20 năm gắn bó với Cồn Cỏ, chị vui vẻ bộc bạch: “Cũng như trong đất liền, ba ngày Tết mọi người thường đi du xuân, gặp gỡ bà con, họ hàng, thì ở Cồn Cỏ, người dân trên đảo còn được đón nhận sự thăm hỏi, động viên thân tình của cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an trên đảo và đoàn. Quân và dân trên đảo sống chan hòa, vui vẻ, hết lòng giúp đỡ nhau như người thân trong gia đình. Vì vậy, Tết ở Cồn Cỏ luôn mang hương vị riêng, rất đỗi thiêng liêng”.

Chẳng thế mà, không chỉ gia đình chị Lài, chị Quyệt, mà phần lớn các hộ dân trên đảo Cồn Cỏ khi được hỏi đều xác định sẽ gắn bó lâu dài với hòn đảo tiền tiêu, sẵn sàng trở thành cột mốc sống giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ càng thêm yên tâm bởi những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Cồn Cỏ đang thay da đổi thịt từng ngày.

Năm 2022 có 8.091 lượt khách đến với đảo Cồn Cỏ, tăng 252,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước hơn 12 tỷ đồng, tăng 292,8 % so với cùng kỳ năm trước.

Dẫu còn đó bộn bề những khó khăn của một huyện mới thành lập hơn 10 năm, nhưng quân và dân trên đảo xác định, trong tương lai không xa, Cồn Cỏ sẽ trở thành “hòn ngọc Biển Đông”, là một đỉnh lấp lánh của tam giác du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ, điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, xứng đáng là đảo văn hóa - đảo du lịch - đảo an toàn nơi cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc.

Xuân chiến sĩ trên đỉnh núi Thới Lới

Tiếp tục hải trình đi thăm hỏi, chúc Tết quân và dân các huyện đảo gần bờ, chúng tôi đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào buổi sáng sớm, khi cảng Sa Kỳ đã tấp nập người bán, kẻ mua, rộn ràng không khí ngày giáp Tết.

Đoàn công tác dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ trên đảo Lý Sơn.

Đoàn công tác dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ trên đảo Lý Sơn.

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, những năm gần đây, đảo Lý Sơn thu hút rất đông khách du lịch. Ðảo có gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa, miếu mạo. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại như: Chùa Hang, chùa Ðục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, Nghĩa trang lính Hoàng Sa, núi Thới Lới trên đảo Lớn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa đang được các nhà khảo cổ học trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu. Huyện đã đầu tư mua tàu, mở tuyến du lịch, năm qua đã phục vụ cho hàng nghìn du khách đến tham quan, tìm hiểu những nét độc đáo trên vùng biển, đảo này.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn đón nhận quà gửi ra từ đất liền.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn đón nhận quà gửi ra từ đất liền.

Sau khi đoàn công tác thực hiện nghi lễ dâng hương, dâng hoa tại Đài liệt sĩ Lý Sơn và Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; tham quan Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và tặng quà cấp ủy, chính quyền, LLVT huyện đảo, chúng tôi có dịp chứng kiến không khí đón xuân của cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 550, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân, nằm chót vót trên đỉnh núi Thới Lới.

Chuyến công tác của Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân mang theo 6 tấn hàng Tết, trị giá gần 500 triệu đồng, gồm 280 suất quà, 100 tấm chăn, 400 đầu sách… gửi tặng cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân hai huyện đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn.

Do thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ, nên cũng như các đơn vị LLVT trên đảo Lý Sơn, cán bộ, chiến sĩ Trạm Radar 550 được đón Tết sớm. Những cành mai, cành đào làm bằng giấy được bộ đội lắp ghép trưng bày khá lộng lẫy, trang hoàng.

Chiến sĩ trẻ Trạm Radar 550, Trung đoàn 351 chuẩn bị bữa ăn ngày Tết.

Chiến sĩ trẻ Trạm Radar 550, Trung đoàn 351 chuẩn bị bữa ăn ngày Tết.

Đại úy Cao Xuân Duy, Trạm trưởng Trạm Radar 550 tâm sự, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ trực SSCĐ, vừa chăm lo chu đáo Tết cho cán bộ chiến sĩ, cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức cho bộ đội ăn Tết theo kế hoạch riêng, phù hợp với tình hình thực tế. Các tiêu chuẩn, chế độ ăn Tết của bộ đội được thực hiện đầy đủ, chu đáo. Ngoài chế độ, tiêu chuẩn theo quy định, đơn vị cũng chủ động được nguồn thực phẩm tại chỗ, như: Rau xanh, thịt gà, bò, lợn... bảo đảm cho bộ đội có cái Tết đủ đầy.

Xuân chiến sĩ.

Xuân chiến sĩ.

Với cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lý Sơn, họ cũng có kế hoạch ăn Tết theo điều kiện thực tế của đơn vị. Thượng tá Hồ Ngọc Hiên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Sơn cho hay, để ngày Tết trên đảo diễn ra ấm áp, vui vẻ, Ban CHQS huyện phối hợp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, như: Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao; các trò chơi dân gian đẩy gậy, kéo co, đập niêu; tổ chức hái hoa dân chủ vào đêm giao thừa, tạo khí thế vui tươi cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong những ngày Tết đến, xuân về...

Ghi chép của NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/xuan-som-noi-tien-don-to-quoc-716156