Xuân sớm trên những làng hoa
Không ở đâu tết đến sớm như tại các vùng trồng hoa. Bởi trước tết vài tháng, các vùng này đã nhộn nhịp vào vụ trồng hoa bán tết. Từng cây hoa được chăm sóc, nâng niu cẩn thận để sao cho bông to, thắm sắc và ngát hương.
Làng hoa Đông Cương vào tết.
Đổ mồ hôi cho mùa xuân rực rỡ
Một ngày cuối năm có nắng, “thủ phủ” hoa Đông Cương của TP Thanh Hóa bừng lên sức xuân phơi phới, các loài hoa tươi thắm đua nhau khoe sắc. Càng vào những ngày cận tết, những con đường về đây dường như cũng nhỏ lại. Từng hàng chậu cây cảnh các loại chất sát tận mép đường như muốn theo chân người lên xe về nội đô.
Được biết, ngay từ cuối tháng 9 âm lịch, các hộ trồng hoa ở phường Đông Cương bắt đầu xuống giống. Khi những cơn mưa cuối cùng của mùa mưa dứt hạt, những cơn gió hanh hao đầu mùa chao nghiêng tán lá, từng giọt nắng nhảy múa trên cành cây cũng là lúc hương cúc non thoảng đưa trong gió. Những luống cúc Hà Lan mơn mởn như con gái độ xuân thì bắt đầu vươn cành kết nụ, từng phiến lá như bàn tay non rung rinh đón dòng nước mát từ bàn tay người nông dân, như đang hùa nhịp hoan ca chờ khoe sắc đúng dịp xuân về. Trong góc vườn, hàng ngàn chậu nhỏ chia cây thẳng hàng, mùi giá thể trồng ngai ngái thoảng trong không khí, từng vạt cúc vạn thọ non cũng sắp sửa được tách bầu để vào chậu.
Có mặt tại đây, trò chuyện với người nông dân mới thấu được nỗi vất vả, cực nhọc xen lẫn nhiều nỗi lo lắng của những người trồng hoa. Từ khi ươm cây xuống đất đến khi thu hoạch, người trồng hoa phải “một nắng hai sương”, cần mẫn với việc làm cỏ, bón phân, phun thuốc, tưới cây... Vụ nào mưa thuận gió hòa, cây lớn dần, rồi kết nụ, nở hoa, ngày thu hoạch hoa bán được giá... vụ đó nhiều niềm vui, thêm động lực. Nhưng có vụ, thời tiết bất thuận, bão gió, mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích trồng hoa bị ảnh hưởng nặng nề... vụ đó nhiều nỗi buồn, nhiều lo toan trăn trở cùng bao tiếc nuối công sức vất vả sớm hôm...
Làng hoa Đông Cương vào tết.
Theo các hộ gia đình trồng hoa ở đây cho biết, nghề trồng hoa đã xuất hiện ở Đông Cương từ rất lâu, ban đầu chỉ vài hộ đến nay cả phường đã có hơn 200 hộ trồng hoa với tổng diện tích gieo trồng khoảng 100 ha, chủ yếu là các loại hoa: cúc, hồng, đồng tiền, lay ơn... Anh Nguyễn Văn Bằng, phố 3, phường Đông Cương, kể: “Ở Đông Cương, gần như nhà nào cũng trồng hoa tết. Nhà ít thì vài ngàn chậu, nhà nhiều cũng hàng chục ngàn chậu hoa các loại. Nghề nông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chẳng sợ vất vả cực khổ mà sợ nhất là thời tiết không thuận. Từ cuối tháng 11 âm lịch trở đi, người làm hoa sợ nhất là trời mưa. Mưa trái mùa cây cho hoa sớm, đến tết hoa tàn là coi như nhà nông mất tết. Nhưng nếu hoa nở đúng vụ, đến được với từng gia đình đúng dịp tết đến xuân về là chúng tôi mừng lắm!”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Cương, từ những ngày còn là chàng thanh niên trẻ mới lập gia đình, anh Bằng cùng vợ đã đồng cam cộng khổ, động viên nhau đầu tư, phát triển nghề trồng hoa. Mong muốn nghề hoa Đông Cương chủ động được nguồn giống với chi phí phù hợp, đảm bảo chất lượng, sau một thời gian trồng hoa thương phẩm, vợ chồng anh Bằng mạnh dạn thuê thêm ruộng đất, sản xuất thêm các loại cây giống, cung ứng cho bà con trong vùng và một số vùng lân cận. Từ 3.000m2, đến nay diện tích sản xuất của gia đình đã tăng lên 5.000m2. Thời điểm vào vụ, gia đình anh thuê thêm 4 - 5 lao động, chủ yếu là lao động địa phương với mức tiền công 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày. Thu nhập bình quân của gia đình anh Bằng từ nghề trồng hoa mang lại khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm. Anh Bằng nói như khoe với chúng tôi: “Các sản phẩm hoa, giống hoa của Đông Cương làm ra không đủ bán, không phải lo lắng “đầu ra” nên bà con yên tâm sản xuất”.
Nương theo những cánh đào phai
Về xã Quảng Chính (Quảng Xương), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” đào phai xứ Thanh. Hàng ngàn cây đào đã được tỉa đọt uốn cành, xuống lá chỉ chờ bung hoa. Đào Quảng Chính là giống đào bản địa, được người dân địa phương bảo tồn và nhân giống từ hạt. Do đó, đào Quảng Chính mang nhiều nét độc đáo, ít nơi nào có được. Khác với các loại đào 5 cánh thường được trồng ở Nhật Tân (Hà Nội), Xuân Du (Như Thanh), đào Quảng Chính có bông to, khi bung nở có thể đếm được 30 - 40 cánh, màu hồng phớt, hương thơm thoang thoảng, lại rất “siêng” và bền hoa, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và bảo quản tốt thì ra đến tháng Giêng mà đào vẫn đua nhau khoe sắc, từ hồng phai, đỏ nhạt lúc xuân thì, đến khi tạo quả thì chuyển đài hoa sang màu đỏ cùng với viền hoa trắng.
Hàng ngàn cây đào đã được tỉa đọt, uốn cành, xuống lá chỉ chờ bung hoa. Đào Quảng Chính có bông to, màu hồng phớt, hương thơm thoang thoảng, lại rất “siêng” và bền hoa.
Đào Quảng Chính vốn có từ lâu nhưng trước đây chỉ được trồng rải rác trong vườn nhà. Theo thời gian, “hữu xạ tự nhiên hương”, nét đẹp riêng có của giống đào nơi đây thu hút khách hàng từ nhiều nơi đến hỏi mua. Nhận thấy tiềm năng phát triển, hiệu quả kinh tế của “mặt hàng” này, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân mạnh dạn đầu tư, nhân giống, tích tụ ruộng đất, mở rộng diện tích sản xuất. Vốn có truyền thống, kinh nghiệm nên người dân nhanh chóng thích ứng, bắt kịp thị trường, dần khẳng định được thương hiệu, từng bước phát triển nghề. Đến nay, nghề trồng đào ở Quảng Chính thu hút gần 500 hộ tham gia với tổng diện tích khoảng gần 30 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Xuân, Chính Đa và Phú Lương. Cây đào cũng trở thành cây trồng chủ lực, mang giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã đến nay đạt gần 63 triệu đồng/năm.
Mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, đào cũng không phải loại cây dễ chăm. Khi còn nhỏ, cây đào phải trồng dưới đất một thời gian cho cây cứng cáp. Trong thời gian này, người trồng phải chăm sóc rất cẩn thận, từng nhánh sao cho các “mắt đào” cách đều và có bảy đốt trên một cành là đẹp. Bên cạnh việc chăm sóc thì việc tạo dáng đào cũng được xem là khâu quan trọng, bằng kinh nghiệm và bàn tay tài hoa, những năm gần đây người trồng đào xã Quảng Chính đã chuyển sang trồng đào thế, đào Bonsai. Tuy mất nhiều công hơn trong quá trình chăm sóc nhưng với những dáng cây độc lạ, nhiều cây đào sau 2 đến 3 năm có thể bán ra với giá trên dưới chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Xuân, xã Quảng Chính, chia sẻ: “Cây cũng như con người, đều có tâm hồn trong đó. Để một cái cây cho thế đẹp, hoa đẹp thì người trồng phải nâng niu chăm bón. Trồng cây như nuôi trẻ con vậy, tùy từng giai đoạn mà chăm sóc uốn nắn khác nhau. Để đào kịp nở hoa đúng ngày, người trồng vừa phải đoán nết cây, vừa phải ngó trời ngó đất để kịp xuống lá kích cho cây đơm nụ, cây trồng dưới đất còn dễ, cây lên chậu rồi sơ sảy một chút là hỏng hết”.
Gia đình ông Vinh trồng đào từ lâu nhưng gần 10 năm nay mới phát triển nghề. Năm nay, vườn nhà ông có khoảng gần 500 gốc đào phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Nếu “mưa thuận gió hòa”, gia đình thu nhập khoảng 500 – 600 triệu đồng/vụ tết. Thông thường hằng năm, bắt đầu từ khoảng độ rằm tháng Chạp, người mua từ khắp các nơi trong tỉnh tấp nập về đây chọn mua đào với giá bán dao động từ 3 - 8 triệu đồng/cây, những cây đào cổ có giá lên tới 15 - 30 triệu đồng/cây. Nhiều khách hàng kỹ tính, muốn chọn được cây dáng đẹp, độc, lạ thì đã xuống chọn và đặt cọc nhà vườn từ rất sớm. Những con số ấn tượng cho thấy tuy vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro nhưng nhìn chung, nghề trồng đào đem lại hiệu quả kinh tế gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa và các loại cây khác.
Lại một mùa xuân nữa đang về. Lại một mùa hoa mới đang vào chính vụ. Mỗi năm chỉ một dịp thôi khắp các ngõ xóm nhộn nhịp. Người làm hoa vắt mình cho đất cho cây đổi lấy niềm vui ngày tết của mọi nhà. Đời người, đời hoa cứ thế hòa quyện vào nhau, cùng tỏa sắc khai hương làm đẹp cho cuộc sống, làm giàu cho mình và cho mảnh đất quê hương.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xuan-som-tren-nhung-lang-hoa/176232.htm