Xuân trên miền sơn cước Đồng Cao
Mùa xuân ở Đồng Cao, hoa đào, hoa mận nở rộ những sắc màu rực rỡ, mây trắng bồng bềnh trôi giữa bầu trời trong xanh, những chú ngựa thong dong gặm cỏ dưới chân đồi. Những mái nhà lúp xúp dưới bóng cây, khói lam chiều vấn vương theo cơn gió...
VẺ ĐẸP TRÀN SỨC XUÂN
Đồng Cao - một cao nguyên thuộc xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang - khi mùa xuân đến là bức tranh tuyệt đẹp, đầy mầu sắc pha trộn giữa thiên nhiên và cuộc sống con người. Nơi đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn, bởi thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đặc sắc của người dân bản địa.
Với độ cao trung bình khoảng 600m so với mực nước biển, Đồng Cao nổi tiếng với cảnh sắc hoang sơ, bình dị, không khí trong lành, mát mẻ quanh năm.Khi những cơn gió lạnh của mùa đông đi qua nhường chỗ cho hơi ấm mùa xuân, miền sơn cước này trở nên kỳ diệu với những khung cảnh nên thơ, hữu tình. Đồng cỏ xanh mướt điệp trùng ẩn hiện sau những vạt đồi theo sắc mây bay. Chạy thật nhanh lên đỉnh đồi hít thở một hơi thật sâu là có thể tận hưởng hết những gì tinh túy nhất của đất trời.
Bình minh, cũng là lúc đồng cỏ nơi đây vô cùng hiền hòa, thơ mộng, từng giọt sương trong vắt treo trên những cánh hoa, ngọn cỏ bắt đầu tan trong nắng sớm mùa xuân. Nhịp sống mới, nhịp ngày mới lại bắt đầu trên những con đường vào bản, vào làng.
Thức dậy ở một nơi xa thấy lòng phơi phới mùa xuân, một Đồng Cao trong lành và xanh mướt. Một thảo nguyên có cả mùa xuân của đất trời và mùa xuân của tâm hồn. Mùa của đất trời là mùa của chồi non, lộc biếc, mùa của sự tái sinh. Mùa của tâm hồn là sự bao dung, thương yêu và bỏ qua những lỗi lầm, khuyết thiếu cùng nhau hướng tới tương lai.
Trên con đường vào bản, những cây đào bung nở. Từng cánh hoa mỏng mảnh, tinh khôi đung đưa trong gió mùa xuân, hương thơm lan nhẹ phủ khắp miền sơn cước. Chúng tôi gặp mấy em bé người Dao đang đến trường với áo mỏng đường xa trong gió xuân, mưa bụi mà nụ cười vẫn tươi tắn trên môi. Trong từng ánh mắt đen láy, thấy bừng lên tia nắng ấm áp của mùa xuân, khắp triền núi, sườn đồi đã rộn tiếng chim ca. Nhìn lên ngọn đồi, sương mỏng bắt đầu tan. Từng làn gió xuân dịu dàng hôn lên sóng cỏ, ai nấy đều cảm nhận rõ mùa màng đã bắt đầu sinh nở tinh khôi.
Dẫn chúng tôi lên cao nguyên là chị Đỗ Thị Hạnh - người thị trấn An Châu, huyện Sơn Động. Chị hồ hởi chuyện trò: “Mình sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này. Du khách khi đến đây có thể lựa chọn nhiều hình thức lưu trú, từ các homestay của người dân bản địa đến cắm trại ngủ qua đêm trên cao nguyên hoặc có thể quay về thị trấn An Châu”.
Đồng Cao thuộc bản Gà, xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, cách Hà Nội khoảng 150 km. Đi từ thị trấn An Châu tới Đồng Cao khoảng 25-30 km, cung đường đồi núi trập trùng, có thể thưởng thức sự hoang dã dọc theo những thung lũng, đắm chìm trong phong cảnh tuyệt đẹp của nơi này.
Không ai nghĩ rằng ở nơi rừng sâu, núi thẳm lại có một Đồng Cao đẹp đến ngỡ ngàng như thế. Một vùng cao nguyên rộng lớn có những bãi đá cổ tự nhiên mang nhiều hình thù độc đáo. Dưới chân Đồng Cao là nơi sinh sống của vài chục hộ dân bản địa. Người dân thân thiện, hiếu khách và gần gũi.
Mùa xuân Đồng Cao ngập tràn hoa cỏ, tiếng chim hót líu lo tạo nên bản hòa tấu thiên nhiên tuyệt diệu. Có lẽ vùng đất này đã được hình thành từ hàng nghìn năm trước và người dân ở đây quen gọi với một cái tên rất gợi “ngôi nhà của gió” vì một lẽ, ở đây rất nhiều gió, gió thổi từ bốn phía, quay mặt phía nào cũng thấy gió với những âm thanh rất lạ tai, có lúc u u như tiếng sáo, có lúc như tiếng diều no gió vi vút trên cao, có lúc lại như một khúc giao hưởng giữa đất trời nhập nhòa mây trắng.
Người dân mời khách xa thưởng thức những món ăn đặc sản như thịt trâu gác bếp, cơm lam, xôi nếp nương ngũ sắc và các món ăn từ rau rừng, mang đậm hương vị miền sơn cước, không chỉ ngon mà còn chứa đựng tinh hoa văn hóa ẩm thực. Bên cạnh đó, địa phương còn giữ nhiều nghề thủ công truyền thống, như: thêu thùa, đan lát...
Trẻ em cũng ríu rít dẫn đường, lấy nước, lấy củi và hướng dẫn cách đốt lửa trại trên đồi gió. Tuy cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, nhưng người dân luôn giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời, gắn bó với thiên nhiên. Dù bạn là ai, khi đặt chân đến vùng đất này, đều nhận được sự chào đón nồng hậu và sự giúp đỡ tận tình.
BẢN SẮC VĂN HÓA, TÍN NGƯỠNG ĐẬM ĐÀ
Đồng Cao là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Dao và Tày, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng. Người Dao ở Đồng Cao nổi tiếng với các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như: Lễ cúng rừng, lễ cấp sắc…
Lễ cúng rừng là một nghi thức quan trọng để đồng bào tỏ lòng biết ơn thần rừng, biết ơn trời đất, tổ tiên cho họ được chung sống với rừng một cách bền vững. Lễ cấp sắc cũng là một lễ hội quan trọng bậc nhất với nghi thức công nhận sự trưởng thành của nam thanh niên, gắn họ trong trách nhiệm với gia đình và cộng đồng.
Cùng chung sống ở Đồng Cao có các dân tộc Cao Lan, Sán Chí, Nùng, và người Kinh. Vì thế, mùa xuân ở đây có nhiều lễ hội như hát then, đàn tính (dân tộc Tày), hát sloong hao (dân tộc Nùng), hát sìng ca (dân tộc Cao Lan), lễ hội xuống đồng, cầu mùa của các dân tộc thiểu số quanh vùng... Đó là những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng vươn lên...
Khách du lịch thường ví Đồng Cao như “nàng công chúa ngủ trong rừng” bởi tiềm năng du lịch ở đây còn chưa được khai thác mạnh mẽ, chỉ một số người biết đến cắm trại và nghỉ qua đêm. Đã có những đoàn khách nước ngoài đến Đồng Cao-Khe Rỗ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp non cao, hùng vĩ và tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.
Bên cạnh vẻ đẹp thơ mộng, hoang sơ, Đồng Cao còn gắn liền với những truyền thuyết mang đậm màu sắc tâm linh. Theo một số người dân bản địa, ở đây có hang Vua kể về câu chuyện của ba vị tướng tài giỏi của nhà Lý đã đến đây bàn bạc, tổ chức việc quân đánh giặc ngoại xâm.
Du khách đến đây thường chọn chiêm ngưỡng, khám phá hang Vua. Người dân coi hang Vua như một di tích linh thiêng giữa chốn rừng thiêng Sơn Động. Họ còn lập đền thờ ba vị vua giúp dân đánh giặc, đền thờ càng làm tăng thêm vẻ đẹp tâm linh trong văn hóa.
Rời bản làng, hòa mình vào thiên nhiên, chúng tôi cắm trại, đốt lửa, pha ấm trà sen ai đó dụng ý mang theo trong chiếc túi nhỏ. Vừa thưởng thức một tách trà sen dâng hương trên màu nước vàng sóng sánh, vừa ngắm sương xuống trên thảo nguyên thì còn gì tuyệt vời hơn. Hương sen, khói củi lửa, hương đất trời hoa cỏ cứ thế hòa quyện vào nhau.
Đến, để được nghe những âm thanh trong trẻo của tiếng chim hót, để được nghe tiếng vọng âm gọi tên nhau từ sau vách núi. Đến, để lắng sâu thêm hương đất, hương rừng, như nghe gió thở, mây trôi và đêm xuống tiếng đá cựa mình bên vách núi.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xuan-tren-mien-son-cuoc-dong-cao-post858268.html