Xuân tri thức về bản

Một mùa Xuân nữa lại về trên những rẻo cao, mang theo nhiều 'chồi non, lộc biếc'. Giáo dục phát triển, đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy và đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tặng quà Tết cho cô – trò Trường Mầm non Văn Lăng. Ảnh: NTCC

Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy và đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tặng quà Tết cho cô – trò Trường Mầm non Văn Lăng. Ảnh: NTCC

Những mùa xuân ấm áp

Bạch Thông, một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn với gần 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Song, vùng đất khô cằn, sỏi đá này đang thay da, đổi thịt từng ngày. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bạch Thông, ông Đặng Hữu Dương hồ hởi chia sẻ: Giáo dục đã góp phần dệt nên chiếc áo mới cho vùng sơn cước này. Hiện tình trạng học sinh tiểu học, THCS bỏ học giữa chừng đã không còn xảy ra. Trong huyện có hàng trăm học sinh học THPT và chuyên nghiệp, trong đó có nhiều em học các trường đại học, cao đẳng nghề. Trình độ dân trí nâng cao đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện.

Điều đáng nói là, nhận thức về sự học của bà con nơi đây ngày nay thay đổi rõ nét. Tình trạng giáo viên phải đi vận động học sinh đến trường gần như không còn xảy ra. Có được kết quả trên là sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ nhà giáo. Họ không quản ngại khó khăn để bám trường, lớp. Nhiều giáo viên tình nguyện ở lại ăn Tết với bà con dân bản để làm công tác dân vận. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân đã ý thức được sự học, ủng hộ con em đến trường và hỗ trợ nhiệt tình cho giáo viên trong công tác dạy học. Nhờ đó mà giáo dục nơi đây ngày càng khởi sắc, ông Dương chia sẻ.

Có đi mới biết, có gặp mới hay. Những ngày cận kề Tết cổ truyền của dân tộc, ai nấy đều khấp khởi niềm vui và tự hào về sự nghiệp “trồng người” trên vùng đất khó. Với bà con nơi đây, giáo dục đã đem đến mùa xuân ấm áp và giáo viên chính là những người dệt nên mùa xuân ấy. Thầy Cà Duy Trung – Hiệu trưởng Trường THCS Đôn Phong (Bạch Thông) cho biết: Toàn trường có 152 học sinh, trong đó có 2 em là người dân tộc Kinh, còn lại là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, nhiều năm nay, giáo viên không phải đi “từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh đến trường. Các em cũng không phải “băng rừng, lội suối đến lớp” mà được ở nội trú hoặc bố mẹ đưa đi, đón về. Hơn nữa đường đến trường đã thuận lợi hơn, không còn lầy lội và bụi mù đất đỏ như trước.

“3 năm gần đây, đặc biệt là năm học 2019 - 2020, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ học sinh học lên bậc THPT và hệ giáo dục thường xuyên đạt gần 100%, có khoảng 0,5% học sinh ở nhà phụ giúp bố mẹ. Mong rằng, sự học ở nơi rẻo cao này sẽ ngày càng khởi sắc, như hoa ban, hoa mận đua nở trắng rừng” – thầy Trung khấp khởi niềm tin.

Học sinh Trường THCS Đôn Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn). Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Đôn Phong (Bạch Thông, Bắc Kạn). Ảnh: NTCC

Khởi sắc giáo dục vùng cao

Con đường đến trường của các em học sinh Trường Tiểu học & THCS Hua Trai (Mường La, Sơn La) đã không còn vất vả như trước. Nhưng với giáo viên vẫn còn là câu chuyện dài; bởi có những điểm trường nằm cheo leo trên đỉnh đồi, giáo viên phải băng rừng hoặc “cuốc bộ” mới đến được điểm trường để dạy học cho các em.

Cô Phạm Thị Vang cho hay: Gần 30 năm dạy học ở vùng khó, Từ Đắc Lắk và nay là rẻo cao Tây Bắc, tôi càng thấm thía hai từ: Tâm huyết và trách nhiệm. Bởi nếu không đủ yêu thương, tâm huyết và trách nhiệm với học trò thì khó lòng vượt qua những khó khăn, vất vả.

“Những ngày nắng ráo còn đỡ, nhưng gặp ngày mưa, xe máy chỉ có nước cài số 1 hoặc là cuốc bộ đến điểm trường. Việc giáo viên bị trầy xước chân, tay do ngã xe vì đường đi khó là chuyện không hiếm gặp ở đây. Thế nhưng, chính học sinh với những ánh mắt ngây thơ, trong veo, nụ cười hồn nhiên và tinh thần hiếu học đã tiếp thêm động lực để chúng tôi bám trường, bám lớp”, cô Vang bộc bạch.

Cô Vang chia sẻ: Ở Hua Trai 100% đồng bào là dân tộc thiểu số, nhiều phụ huynh còn không biết chữ nên học sinh của cô trở thành bạn đồng hành với bố mẹ trên con đường học tập, xóa mù chữ.

Em Chu Thị Anh, học sinh Trường Tiểu học & THCS Hua Trai cho biết: Những kiến thức học được trên lớp, em truyền đạt lại cho bố mẹ. Mặc dù chữ viết còn xấu nhưng bố mẹ em đã biết đọc nên đi chợ sắm Tết không còn sợ người ta “bắt nạt”.

Theo cô Vang, cũng giống như nhiều trường vùng cao khác, những năm về trước, Tết đến mang theo nỗi lo về tỷ lệ chuyên cần của học sinh, nhiều giáo viên phải đến từng nhà, lên tận nương rẫy để vận động học sinh trở lại trường, lớp. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác, học sinh chủ động đến trường, phụ huynh chủ động học chữ. “Chúng tôi động viên nếu phụ huynh nào chưa biết chữ có thể bảo con em mình hướng dẫn, khi cần chúng tôi sẽ hỗ trợ”, cô Vang trao đổi.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hồ hởi cho biết: Mặc dù phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhận thức về sự học đã nâng lên rõ rệt. Từ nhiều năm nay không còn chuyện giáo viên phải vận động học sinh đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường luôn đạt chỉ tiêu đề ra.

“Cách đây vài năm, việc vận động con em họ đến trường đã khó, giữ chân học sinh ở lại trường còn khó khăn hơn nhiều, nhất là những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ngày trước, phụ huynh không hề quan tâm đến việc học của các con ở trường như thế nào và không có sự tương tác với nhà trường thì nay mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Họ sẵn sàng “xắn tay” cùng với nhà trường, giáo viên để tổ chức các hoạt động giáo dục cho các em trong những ngày Tết đến xuân về”, cô Nguyễn Thị Lệ cho hay.

Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục không chỉ đơn thuần là dạy chữ mà còn mang đến nhiều giá trị sống tốt đẹp cho bà con. Xây dựng và củng cố niềm tin cho đồng bào về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một mùa Xuân nữa lại về với biết bao niềm tin và hy vọng. Tin rằng, xuân này cũng sẽ là xuân tri thức mang theo nhiều “chồi non, lộc biếc”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xuan-tri-thuc-ve-ban-hPha7aEGR.html